50 bộ tóc mới đã được trao cho bệnh nhân ung thư bệnh viện Ung Bướu TPHCM
Buổi lễ diễn ra trong không khí ấm cúng tại phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Đại diện bệnh viện cho biết, vì là tuyến cuối nên mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 4.000 - 5.000 lượt khám, đa số đến từ các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Rất nhiều bệnh nhân trong số đó có hoàn cảnh khó khăn và cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các mạnh thường quân.
Bệnh viện Ung Bướu tiếp nhận nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó han
Các bệnh nhân tham dự buổi lễ cũng đang điều trị nhiều loại ung thư khác nhau, hầu hết đã trải qua từ 4-6 lần truyền thuốc tại bệnh viện và là những bệnh nhân “quen mặt” với các nhân viên y tế nơi đây. Tại buổi trao tặng tóc, các bệnh nhân được chuyên gia về tóc của Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam hỗ trợ cắt, tỉa phần tóc mái, tạo kiểu nhẹ nhàng để phù hợp với từng gương mặt.
Có giọt nước mắt rơi
Có nụ cười rạng rỡ
Các bệnh nhân được chuyên gia tóc cắt tỉa tóc để phù hợp với khuôn mặt
Cô K.H dù trị bệnh nhưng vẫn lạc quan khoe với các tình nguyện viên hình ảnh cháu nội ở Kiên Giang
Cô Đ.T.K.H, 51 tuổi, quê ở Kiên Giang phát hiện mình mắc ung thư từ tháng 4 vừa qua. Cô lạc quan chia sẻ: “Mới tháng 4 ăn sinh nhật cháu nội xong là phát bệnh, cô lên bệnh viện Ung Buớu khám chữa liền, nay là vô thuốc lần thứ 6 rồi nè. Có mái tóc mới này về chắc con gái hổng nhận ra”.
Còn cô N.T.Đ, quê Quảng Ngãi cũng đã truyền thuốc lần thứ 5. Có thông tin từ Phòng Công tác xã hội về việc trao tặng tóc, cô đến nhận ngay. Là một trong những người đã sớm xúc động, nước mắt ngắn dài từ khi chương trình vừa mới bắt đầu, cô liên tục xuýt xoa “Cảm ơn quý chương trình nhiều lắm, cô muốn mua một bộ tóc mới nhưng vẫn chưa có điều kiện, nay được tặng thì quý không gì bằng”. Sau khi đội thử tóc và được chuyên gia tóc tỉa bớt phần mái hơi dài so với khuôn mặt, cô cẩn thận xếp gọn gàng các dụng cụ đi kèm tóc vào hộp để cùng con gái kịp ra chuyến xe về quê buổi tối.
Chương trình diễn ra nhanh gọn, ấm cúng trong không gian nhỏ của bệnh viện, vậy mà thi thoảng lại có một người thân của bệnh nhân mở cửa ngó vào, chỉ để len lén chụp ảnh cho vợ mình một tấm hình với bộ tóc mới rồi tranh thủ động viên “bà đội tóc này đẹp lắm!”
Chị Hoàng Yến, trưởng dự án Thư viện tóc thuộc Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam cho biết, một bộ tóc mới có ý nghĩa rất lớn với bệnh nhân, giúp họ thoát mặc cảm tự ti để trở lại nhịp sinh hoạt thường ngày, tránh những ánh mắt tò mò hay thương cảm của người khác.
Chị Hoàng Yến: “Bộ tóc mới giúp bệnh nhân thoát khỏi mặc cảm tự ti”
Các bệnh nhân được tặng tóc được dặn dò bảo quản tóc cẩn thận và giữ liên lạc với bệnh viện để khi nào khỏi bệnh, có thể trao lại cho những bệnh nhân mới cần bộ tóc này.
Bên cạnh các hoạt động phát triển kinh doanh, Napas, Mastercard và Payoo đều là những doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, không chỉ dừng lại trong lĩnh vực thanh toán mà còn thúc đẩy và khuyến khích cộng đồng hướng sự quan tâm đến những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đại diện Mastercard, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết “Tại Mastercard, nguyên tắc “Làm hiệu quả bằng cách làm tốt” (Doing Well by Doing Good) luôn là kim chỉ nam trong hoạt động hỗ trợ con người và cộng đồng. Mastercard vui mừng hợp tác cùng NAPAS và Payoo giúp chủ thẻ tạo nên tác động tích cực đối với những đối tượng trong cộng đồng cần giúp đỡ.”
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion, đơn vị phát triển nền tảng thanh toán Payoo cho biết: “Tại Payoo, chúng tôi luôn tâm niệm: Sự thành công của doanh nghiệp phải luôn gắn liền với sự tiến bộ chung của toàn xã hội. Do đó, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ gia tăng tiện ích cho cộng đồng, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu chăm lo cho những người yếu thế. Với lợi thế là nền tảng phục vụ mọi nhu cầu thanh toán, càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi trở thành nền tảng để khách hàng của mình chia sẻ vật chất và tinh thần đến những người có nhu cầu, qua đó phát huy sức mạnh của lòng nhân ái”.