Hiện tượng 'Chat GPT' - Cú huých thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số?
Báo chí số đã trải qua 8 giai đoạn phát triển, bắt đầu từ năm 1995 cho tới nay và đang thay đổi liên tục theo sự phát triển của kinh tế số, chuyển đổi số. Do vậy, thời gian tới, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí không phải là tốc độ áp dụng kỹ thuật số mà là cách chuyển đổi nội dung kỹ thuật số để đáp ứng kỳ vọng của độc giả.
“Chat GPT”- Kích hoạt cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo
Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong bối cảnh sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và “chat GPT”, mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện với tòa soạn hội tụ cũng bổ sung khái niệm hội tụ giữa người và máy trong sản xuất nội dung tin bài. Sự xuất hiện của “chat GPT” đã thúc đẩy cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên điều này lại tạo ra nghịch lý không mong muốn cho những mô hình kinh tế báo chí số hiện nay.
Thực tế cho thấy, Google mang lại 40-50% tổng lượng truy cập cho các trang tin tức. Do vậy, các tòa soạn phải đầu tư thời gian, tiền bạc cho việc tạo ra nội dung – tối ưu hóa bằng search angine – lượt truy cập, thu hút doanh thu đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, trong nền tảng số có càng nhiều câu hỏi được google trả lời mà người dùng không cần phải nhấp chuột thì sẽ dẫn tới lượt truy cập cho các trang tin tức sẽ giảm đi rất nhiều. Lượng truy cập ít, sụt giảm đồng nghĩa với việc người xem quảng cáo ít, theo đó doanh thu từ quảng cáo cũng sụt giảm theo.
Trong khi đó, nhiều thông tin mà các cỗ máy trí tuệ nhân tạo rà quét để đưa ra câu trả lời cho người dùng chính là đến từ các trang tin tức. “Từ thực tế trên cho thấy, các cơ quan báo chí sẽ vẫn sản xuất nội dung chứa đựng những câu trả lời nhưng doanh thu từ Google Search là lượng truy cập sẽ ngày càng eo hẹp. Do đó, sức ép với những cơ quan báo chí dựa vào mô hình kinh doanh quảng cáo số, buộc cơ quan báo chí phải thay đổi nếu muốn tồn tại,” đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số nhìn nhận.
Ảnh minh họa.
Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho rằng, có 4 luận điểm của kinh tế báo chí số. Trong đó, hiện nay đã hình thành một “chiến trường” kỹ thuật số cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nền tảng số và cơ quan báo chí 24/7/365; Các nền tảng số lan truyền vô số thuyết âm mưu, tin tức giả mạo. Do đó, báo chí cần có sự ràng buộc bởi các yêu cầu về tính xác thực của nội dung.
Mặt khác, các cơ quan báo chí gặp bất lợi trong cạnh tranh với các nền tảng số. Trong khi nội dung trên nền tảng số dựa trên những thông tin, phim ảnh, âm nhạc và tác phẩm văn học được chia sẻ miễn phí đang “giết chết” các cơ quan báo chí. Và cuối cùng là tình trạng quá tải nhận thức đối với báo chí. Bởi, năng lực của cơ quan báo chí là hữu hạn và thậm chí là quá tải trong thu thập, xử lý, chuyển đổi lượng thông tin không lồ thành các sản phẩm báo chí.
Đơn cử như 2 mô hình kinh tế báo chí số: Mô hình Google – Facebook – Fogg và mô hình Netflix – Fogg. Ví dụ về mô hình kinh tế báo chí số hiện nay, Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho rằng, mô hình Google – Facebook – Fogg là mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo, thúc đẩy thuyết bất khả tri về nhận thức luận, chủ nghĩa hư vô hoặc chủ nghĩa công cụ thuần túy. Mô hình Netflix – Fogg là mô hình kinh doanh dựa trên doanh thu từ thuê bao, hỗ trợ hiệu quả cho những lý tưởng báo chí.
Cùng với đó, theo kinh nghiệm của Amedia - một nhà sản xuất bản tin tức địa phương lớn nhất ở Na Uy - trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí cho thấy Amedia thống trị thị trường báo chí địa phương với một tờ báo điện tử quốc gia, 72 cửa hàng địa phương và khu vực trên toàn quốc vào năm 2021. Amedia với hơn 100 tờ báo và 723.000 người đăng ký; lượng đọc giả hàng ngày ước tính đạt khoảng 2 triệu lượt tương đương gần một nửa dân số trưởng thành của Na Uy. Amedia đã tăng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số lên 26,5% vào năm 2021.
Thành công của Amedia là tạo nên một vòng lặp, với cơ sở dữ liệu đọc giả là cốt lõi. Bao quanh vòng lặp là các lớp khác, bao gồm khuôn khổ bảo mật, pháp lý, đạo đức; áp dụng cho tất cả các bước trong vòng lặp. Amedia khuyến khích người dùng đăng nhập và gắn cho họ một ID người dùng cụ thể. Bên cạnh đó, tăng phạm vi tiếp cận và chiều sâu nội dung của báo chí; thu thập dữ liệu, phân loại thói quen đọc của người dùng thành hồ sơ nhân khẩu học và địa lý. Điều này cho phép phân tích tinh vi về cách thức hoạt động của nội dung và cung cấp thông tin chi tiết về hành vi, cách người đọc tiếp nhận nội dung.
Từ đó, Amedia triển khai triệt để các biện pháp cho quá trình chuyển đổi số liên quan tới việc triển khai mô hình hoạt động Netflix – Fogg dành cho báo chí. Bao gồm xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện đại và hoạt động học máy; số điện thoại di động của người đăng ký được chọn làm khóa chính trong mô hình dữ liệu; tạo nền tảng số riêng, kết nối với nguồn dữ liệu bên ngoài; dữ liệu hành vi được thu thập liên kết với các cá nhân được ẩn danh; dùng dữ liệu để cải thiện khả năng dự đoán; KPI là thời gian của khách hàng lưu lại ở trên bài viết.
Bên cạnh đó, chuyển đối tượng phục vụ từ các cá nhân hoặc nhóm quyền lực; xác định các chủ đề quan trọng đối với đọc giả và xã hội; kể chuyện hấp dẫn; xem tự động hóa là chía khóa cho hoạt động quảng cáo thông qua việc chứng minh tỉ lệ chuyển đổi cao và lập luận rằng đối với các danh mục sản phẩm và nhân khẩu được chọn, Amedia mang lại kết quả tốt hơn Facebook, Google.
Trên cơ sở đó, chỉ ra cho các nhà quảng cáo rằng Amedia có được sự tin cậy cao gấp 20 lần so với Facebook. Đặc biệt, kiên quyết không bán dữ liệu cho các nhà kinh doanh dữ liệu mặc dù được phép. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của cơ quan váo chí đối với việc từ chối nguồn doanh thu kếch sù từ hoạt động bán dữ liệu người dùng.
Chuyển đổi mô hình sang thu phí?
Từ kinh nghiệm của Amedia trong chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí cho thấy, cần phải chuyển dần từ mô hình phụ thuộc quảng cáo sang mô hình hoạt động có thu phí. Để làm được việc này thì có 3 điều kiện cần được đáp ứng, đó là thương hiệu hoạt động báo chí phải đủ mạnh; khối lượng dữ liệu cần phải đủ để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo và máy học; thành phần nhân khẩu học của đọc giả phải đủ hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo.
Đối với báo chí Việt Nam, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo nói chung và “chat GPT” nói riêng ngày càng tác động lên báo chí, sẽ tạo nên sự phân hóa trong lực lượng làm báo. Theo đó, sẽ chỉ còn chỗ cho những nhà báo chân chính, biết cách kể chuyện hấp dẫn, biết những câu chuyện thật, những trải nghiệm thật, cảm nhận đích thực.
Báo chí truyền thống phát triển, chuyển đổi sang báo chí sáng tạo để thu hút độc giả, tạo nguồn thu từ nội dung để tồn tại có ý nghĩa sống còn với báo chí. Dữ liệu về hành vi của đọc giả sẽ tạo ra doanh thu trong kinh tế báo chí để hướng tới mô hình báo chí có thu phí. Báo chí dựa vào nguồn thu quảng cáo là chính sẽ chuyển dần sang báo chí thu phí. “Công nghệ chỉ có ý nghĩa trong bàn tay người biết sử dụng. Bởi, Al nói chung và “Chat GPT” nói riêng cần phải được sử dụng một cách đúng đắn, nếu tuỳ tiện sử dụng có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước được. Chỉ những nhà báo chân chính hiểu và có lập trường tư tưởng vững vàng thì công nghệ mới được sử dụng có mục đích,” đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số nhấn mạnh.
Do đó, việc chuyển đổi số báo chí với các nền tảng số của Việt Nam là giải pháp sống còn để có dữ liệu, hành vi “ không ngữ nghĩa” , kết hợp với kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia ( dữ liệu có ngữ nghĩa). Cùng với đó, các khoá đào tạo hướng tới mục tiêu sáng tạo, kể chuyện hay trong báo chí cần được triển khai. Các khoá đào tạo hướng mục tiêu AL, làm báo dựa trên dữ liệu…, cần được triển khai. Việc chuyển đổi mô hình sẽ góp phần giảm bớt vấn nạn “giật tin, câu view” trong việc kết hợp báo chí chất lượng với quảng cáo khi các mối quan tâm về quảng cáo trở nên ít ảnh hưởng trong các cơ quan báo chí, đưa các cơ quan báo chí trở lại những giá trị cốt lõi của mình.