Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hợp tác với EON Reality Việt Nam: Quyết tâm thực hiện giáo dục số

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hợp tác với EON Reality Việt Nam: Quyết tâm thực hiện giáo dục số

Ngày 14/5/2024, Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) ký kết hợp tác chiến lược ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo-giảng dạy, đưa giáo dục Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số.

  EON REALITY Việt Nam hợp tác với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông nhằm đưa Giáo dục Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày 14/5/2024. Ảnh: Thế Kiên

Việc hợp tác chiến lược này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam, mang đến những giải pháp sáng tạo và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong thời đại công nghệ số.

Nội dung hợp tác chiến lược giữa PTIT và EON Reality Việt Nam bao gồm:


  • Ứng dụng nền tảng EON-XR tiên tiến của EON Reality Việt Nam vào công tác giảng dạy và học tập tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nền tảng này cung cấp các công cụ VR, AR và AI mạnh mẽ, giúp mô phỏng các môi trường học tập thực tế, tăng cường tương tác và thu hút người học, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức.
  • Hợp tác xây dựng giải pháp trường đại học số, hướng đến chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Giải pháp này sẽ bao gồm các ứng dụng VR, AR, AI trong giảng dạy, quản lý sinh viên, đánh giá kết quả học tập, v.v.
  • Thực hiện dự án outsource sản xuất học liệu số cho các cơ sở đào tạo, giáo dục và người dùng toàn cầu trên nền tảng EON-XR. EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ hợp tác sản xuất các nội dung học tập VR, AR chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.
  • Ứng dụng công nghệ mới chuyển đổi số trong công tác đào tạo, giảng dạy tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhất như VR, AR, AI, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, v.v. nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo.
  • Mở rộng thị trường chung, đa dạng hóa mô hình và dự án hợp tác trong công tác đào tạo, giảng dạy. EON Reality Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ hợp tác tổ chức các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo, v.v. để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số trong giáo dục.

Tại sự kiện, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc PTIT nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, nắm bắt được xu hướng công nghệ tiên tiến hiện nay, lựa chọn được đối tác tiềm năng, tin cậy để đồng hành, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đồng hành với Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam để đưa Học viện trở thành một trong các đơn vị đào tạo ngành thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy và học tập”, PGS.TS Trần Quang Anh chia sẻ thêm.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch hội Vô Tuyến - Điện tử Việt Nam cho hay: "Để kinh tế số của Việt Nam phát triển như lộ trình, kế hoạch của Đảng và Nhà nước thì giáo dục số phải đi trước, để đào tạo ra con người số thì lúc đó xã hội số hình thành và kéo theo kinh tế số".

Trần Đức Lai

TS. Trần Đức Lai khẳng định, đây là bước phát triển mạnh mẽ của nhà trường khi có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong thực hiện giáo dục số. Ảnh: Thế Kiên

TS. Trần Đức Lai nhấn mạnh, việc khởi động ký kết giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Công ty EON Reality Vietnam sẽ giúp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, AI vào đào tạo để có chương trình đào tạo số, có các hướng dẫn cho giảng viên, sinh viên đào tạo và học tập trên môi trường số.

Ông Nguyễn Hồng Sơn Tổng giám đốc Công ty Cổ phần EON Reality Việt Nam chia sẻ, sự hợp tác này không chỉ giúp đẩy mạnh sự đổi mới và phát triển ứng dụng công nghệ thực tế ảo, AI trong lĩnh vực đào tạo mà định hướng xa hơn là hai bên cùng nhau xây dựng những dự án, những bài toán cho các trường học khác, cho các đối tượng, khu vực khác, trở thành một lực lượng tham gia vào chuỗi làm nội dung giải pháp cho Tập đoàn EON Reality trên toàn cầu.

Theo bản hợp tác, EON Reality Việt Nam và PTIT cùng đầu tư, thiết lập Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Không gian (“Spatial AI Center”) đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Không gian này sẽ được đặt trụ sở tại PTIT và được trang bị các phòng lab, các thiết bị VR, AR, AI tiên tiến nhất, nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo - giảng dạy.

Việc hợp tác giữa EON Reality Việt Nam và PTIT là minh chứng cho cam kết của hai bên trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đưa nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại công nghệ số.

Ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và quản lý sinh viên đã trở thành xu hướng nổi bật ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiều trường đại học ở Mỹ, như tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford đã tích hợp VR và AR vào giảng dạy khoa học và kỹ thuật, trong khi AI được sử dụng rộng rãi để cá nhân hóa học tập và hỗ trợ giảng dạy. Các trường đại học tại Anh, như Imperial College London, sử dụng công nghệ AR để giảng dạy y khoa và kỹ thuật. Ứng dụng công nghệ AI trong việc theo dõi và hỗ trợ học tập của sinh viên tại Imperial College London.

Tại Australia, Đại học Monash và Đại học Queensland đã áp dụng VR trong các khóa học y học và khoa học sức khỏe, và sử dụng AI để cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập thông qua phân tích dữ liệu học tập.

Những ứng dụng này không chỉ cải thiện hiệu quả giảng dạy mà còn tạo ra trải nghiệm học tập thú vị và tương tác hơn cho sinh viên, đồng thời giúp các trường đại học quản lý và hỗ trợ sinh viên một cách hiệu quả hơn.

Thông tin cho bạn:

Ứng dụng VR trong giảng dạy môn học phức tạp: VR cho phép tạo ra các môi trường học tập ảo, giúp sinh viên tiếp cận các chủ đề phức tạp một cách trực quan. Ví dụ, các trường y khoa sử dụng VR để mô phỏng các ca phẫu thuật, giúp sinh viên y khoa luyện tập mà không cần bệnh nhân thật.

Ứng dụng VR Học từ xa và trải nghiệm lớp học ảo: Các nền tảng VR như Google Expeditions, ClassVR cung cấp các chuyến tham quan ảo và trải nghiệm lớp học ảo, giúp sinh viên có cảm giác như đang tham gia vào một lớp học thực sự, dù ở bất cứ đâu.

Ứng dụng VR hỗ trợ học tập trực quan: AR cung cấp các công cụ học tập trực quan, chẳng hạn như việc sử dụng hình ảnh 3D để giảng dạy sinh học hoặc hóa học. Ví dụ, ứng dụng AR Anatomy 4D cho phép sinh viên xem và tương tác với mô hình 3D của cơ thể người.
Hỗ trợ giảng dạy kỹ năng thực hành: Trong các khóa học kỹ thuật, AR giúp sinh viên thực hành trên các mô hình ảo, từ đó hiểu rõ hơn về cấu trúc và chức năng của các bộ phận máy móc mà không cần tiếp xúc trực tiếp với thiết bị đắt tiền.

Ứng dụng VR trong việc cá nhân hóa học tập: AI phân tích dữ liệu học tập của sinh viên để tạo ra các lộ trình học tập cá nhân hóa, đề xuất tài liệu và bài tập phù hợp với trình độ và sở thích của từng cá nhân. Các nền tảng như Coursera, Khan Academy sử dụng AI để tối ưu hóa trải nghiệm học tập.

Ứng dụng VR hỗ trợ giảng dạy và đánh giá: AI có thể tự động chấm điểm các bài kiểm tra trắc nghiệm, phân tích bài luận, và cung cấp phản hồi cho sinh viên, giúp giảm tải công việc cho giảng viên. Ứng dụng như Gradescope sử dụng AI để hỗ trợ giảng viên trong việc chấm điểm và quản lý bài tập.

Ứng dụng VR Quản lý sinh viên: AI giúp theo dõi tiến độ học tập, dự đoán khả năng thành công hoặc rủi ro của sinh viên, và đưa ra các khuyến nghị can thiệp kịp thời. Ví dụ, hệ thống quản lý học tập (LMS) như Blackboard và Canvas tích hợp AI để phân tích hành vi học tập và đưa ra cảnh báo sớm.