‘Make in Viet Nam’ – dấu ấn vững niềm tin
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội XIII của Đảng được tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
“Make in Viet Nam” là “ngọn lửa” thúc đẩy tinh thần dân tộc, thổi bùng ý chí, khát vọng, sáng tạo, làm chủ công nghệ để phụng sự và phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
…Những thành tựu thay đổi “tư duy”
Việt Nam đã làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G và điện thoại 5G. Tháng 10/2022, các sản phẩm thiết bị viễn thông 5G của Viettel High Tech được Gartner xếp hạng vào danh sách Peer Insights của hãng, qua đó khẳng định khẳng định Viettel High Tech là một nhà cung cấp toàn cầu, mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm “Make in Viet Nam”.
Thiết bị mạng 5G do Viettel sản xuất. Ảnh: Viettel
Trạm 5G gNodeB của Viettel High Tech nghiên cứu sản xuất đã được triển khai tại 05 tỉnh thành Việt Nam với tổng gần 300 trạm; vOCS phiên bản 4.0 cho mạng 5G hiện đã hoàn thành thử nghiệm trên 1 triệu thuê bao, trước đó, các phiên bản cho mạng 3G, 4G hiện đang phục vụ taị 11 quốc gia với quy mô dân số trên 300 triệu; Thiết bị 5G Core đã được đưa vào mạng lưới Viettel và đổ tải thành công hơn 250.000 thuê bao.; Bộ 3 sản phẩm này là các thành phần quan trọng xây dựng hạ tầng mạng viễn thông mà Viettel đã công bố làm chủ công nghệ toàn phần.
Tháng 9/2022, Tập đoàn FPT công bố dòng chip vi mạch (IC) ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển chip vi mạch được thực hiện tại Việt Nam bởi những kỹ sư hàng đầu của FPT Software.
Mẫu tấm wafer chip vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor. Ảnh: FPT
Với tiêu chí "chip Make in Viet Nam”, FPT định hướng đưa các sản phẩm chip ra các thị trường Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, đồng thời cung cấp chip đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam giai đoạn 2023-2025.
Ngày 12/12/2022, Công ty VinFast xuất khẩu 999 xe ô tô điện VF8 VinFast sang Mỹ, đây dấu ấn quan trọng cho sự phát triển ‘Make in Viet Nam” bằng công nghệ và tri thức. Khẳng định tinh thần Make in Viet Nam - sản phẩm của người Việt Nam, do người Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.
Ô tô điện VinFast VF 8 do Công ty VinFast sản xuất.
… “Make in Viet Nam” tinh thần phụng sự Quốc gia số
Các nền tảng “Make in Viet Nam” do chính các doanh nghiệp công nghệ ICT trong nước cung cấp góp phần to lớn thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đến mọi đối tượng, là động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển hiện đại hóa đất nước.
Theo thống kê mới nhất của Bộ TT&TT, đến tháng 11/2021, đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số “Make in Viet Nam” được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Việc phát triển các nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Để hình thành nên một hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số
Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) 40 giải pháp công nghệ “Make in Viet Nam” được vinh danh. Đây là những sản phẩm, giải pháp xuất sắc có số lượng người sử dụng lớn, tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên môi trường số, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.
Mới đây, Viettel chính thức ra mắt Viettel Cloud - hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất do người Việt Nam làm chủ. Đây là dấu ấn quan trọng phát triển hạ tầng số, là tiền đề thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, tạo đà cho các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ đi ra biển lớn.
Một trong hai trung tâm lưu trữ dữ liệu lớn nhất của Viettel tại Việt Nam tại Hòa Lạc. Ảnh: Viettel
Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong tham luận: Chuyển đổi số và “Make in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm “Make in Viet Nam” tiếp cận với các thị trường ngoài nước. Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.
...Những con số “ấn tượng”
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ TT&TT, tháng 12/ 2022, Việt Nam có 67.208 doanh nghiệp ICT, trong đó số doanh nghiệp sản xuất phần cứng, điện tử là 5.091, số doanh nghiệp sản xuất phần mềm là 18.095, Nội dung số có 762 doanh nghiệp, Dịch vụ CNTT có 9.796 doanh nghiệp, Buôn bán, phân phối CNTT có 33.461 doanh nghiệp.
Biểu đồ tăng trưởng doanh nghiệp ICT. Nguồn: Bộ TT&TT
Với mức tăng trưởng vượt bậc như trên, mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp ICT của Việt Nam vào năm 2025 sẽ sớm trở thành hiện thực.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, năm 2022, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Doanh thu phần mềm dự kiến năm nay của lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt khoảng 2,2 tỷ USD; phần cứng cũng đạt những kết quả tích cực. Doanh thu toàn ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt hơn 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021.
Xuất khẩu của ngành công nghệ số Việt Nam năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.
Để hiện thực hóa khát vọng tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam. Khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chính là con đường đúng đắn nhất. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy “Make in Viet Nam”, góp phẩn tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 01 tháng 01/2023)