Tìm nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (VHNTQG) Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo tập trung tham luận, thảo luận vào ba nội dung chính: Đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam - Góc nhìn đa chiều; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa - Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa - Mục tiêu, công cụ chính sách cùng những sáng kiến định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”.
Hội thảo là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc dân tộc, mà còn là một động lực kinh tế mạnh mẽ, góp phần tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần sự tham gia của nhiều nguồn lực. Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Thực tế cho thấy, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến khai thác nguồn lực không hiệu quả.
Theo các đại biểu, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các quốc gia trên thế giới đều đang tích cực tìm kiếm các phương thức mới để bảo tồn, phát triển và quảng bá văn hóa của đất nước mình, qua đó nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Các quốc gia này có một hệ sinh thái văn hóa phong phú gắn với hệ thống tài trợ văn hóa rất đa dạng, bao gồm cả quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng, từ các tổ chức phi Chính phủ.
Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”.
Hội thảo “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” được tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn năng động, nơi các nhà đầu tư, các chuyên gia và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có thể gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm, thảo luận những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực đầu tư và tài trợ cho văn hóa.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VHNTQG Việt Nam, thực tế cho thấy, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Hơn nữa, những nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này vẫn còn những bỏ ngỏ.
Ông Đỗ Quang Minh (Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL) đề cập vấn đề từ góc nhìn mục tiêu và công cụ chính sách cho đầu tư, tài trợ văn hóa, các chính sách văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội và chính trị, trong khi các mục tiêu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của Nhà nước chưa phù hợp và toàn diện.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào văn hóa, mặc dù chưa nhiều, nhưng dự kiến trong tương lai, mức đầu tư sẽ còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, một vấn đề dễ nhận thấy là việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Đặc biệt, là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan. Nếu không đánh giá đúng, chúng ta sẽ không thể xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư…
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung cho rằng, để phát triển và mang lại lợi ích kinh tế, tất cả các ngành nghề, bao gồm cả văn hóa, đều cần có sự đầu tư, xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược rõ ràng. Việc xác định mục tiêu đầu tư và các mục tiêu cần đạt được cho từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng.
Hội thảo cũng nghe các diễn giả quốc tế giới thiệu chi tiết về kinh nghiệm xây dựng mô hình gây quỹ đầu tư và tài trợ cho văn hóa từ Mỹ (Quỹ Văn hóa Quốc gia Hoa Kỳ -NEA), Anh (Quỹ Xổ số Văn hóa Anh - Heritage Lottery Fund - HLF), Nhật Bản (Japan Foudation), Hàn Quốc (Chính sách từ chính phủ, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật, Ứng dụng công nghệ và truyền thông số, Quỹ từ các tổ chức/doanh nghiệp tư nhân…). Mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa cũng đã được đề cập tới với vai trò như là một trong những cơ chế, chính sách đầu tư và tài trợ hiệu quả từ sự thành công trong áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Trung Quốc....