Các nước đang phát triển có bị “chèn ép” khi áp dụng khung thuế toàn cầu?
Ảnh minh họa.
BEPS phiên bản 1.0 của OECD/G20, xuất bản lần đầu tiên vào năm 2015, nhằm ngăn chặn trốn thuế và lách thuế của các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu và lợi nhuận lớn. Đến ngày 11/7/2023, 138 quốc gia đã thông qua "Outcome Statement," một tuyên bố về kết quả đạt được sau 20 tháng đàm phán kỹ thuật.
BEPS có hai trụ cột chính là Pillar 1 và Pillar 2. Pillar 1 nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu toàn cầu trên 20 tỉ euro và tỷ suất lợi nhuận trên 10%. Pillar 2 nhằm đưa ra một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%. Tuy nhiên, mặc dù dự án hứa hẹn thu được khoảng 100-240 tỷ đô la Mỹ, thực tế thực hiện có thể bị hạn chế.
Các chuyên gia lưu ý rằng áp dụng thuế suất tối thiểu theo Pillar 2 có thể không đủ mạnh mẽ, và các tập đoàn vẫn có cách để tránh thuế. Báo cáo mới nhất của EU Tax Observatory cũng chỉ ra rằng các lỗ hổng và điểm không rõ ràng trong quy định có thể bị lợi dụng.
Các nước đang phát triển thường cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua các chính sách ưu đãi, và thường được sử dụng nhiều nhất là các ưu đãi về thuế. Như trường hợp của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI lớn chỉ nộp thuế thu nhập trung bình ở mức 2,75-5,95%, còn thuế thu nhập trung bình của các doanh nghiệp FDI là 12,3% trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp chung là 20%.
Nếu thực hiện thuế tối thiểu và nâng thuế suất thực tế lên 15% thì sẽ vi phạm các cam kết trước đó, bởi vì các dự án đầu tư lớn thường được đảm bảo bởi các hiệp định đầu tư, các hợp đồng riêng (private contracts) với các điều khoản riêng biệt được miễn trừ với các quy định khác. Ngoài ra, nếu các nước phát triển còn có thêm các thỏa thuận về bảo vệ nhà đầu tư thì rất khó để áp dụng Pillar 2, thay đổi các thỏa thuận đã có từ trước.
Một trong các hiệp định ưu đãi về thuế để thu hút FDI là hiệp định đầu tư song phương (BIT), được ký kết ở cấp chính phủ. Điểm đáng chú ý là các BIT này thường bao gồm các cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế, theo hướng bảo vệ nhà đầu tư. Một thống kê cho thấy có hơn 2.500 BIT đang có hiệu lực khắp thế giới ở thời điểm năm 2022, phần lớn gắn với các nước đang phát triển, không nằm trong nhóm các nước thành viên OECD.
Còn trong trường hợp vẫn giữ nguyên các cam kết về thuế như trước và thuế suất thực tế thấp hơn 15% thì phần thuế chênh lệch đó các tập đoàn đa quốc gia sẽ nộp về chính quốc, nơi các tập đoàn có trụ sở chính. Và như vậy thì các nước nhận đầu tư sẽ bị mất phần thu thuế có được từ Pillar 2. Tệ hại hơn, các quốc gia này còn bị đòi hỏi thêm quyền lợi để bù đắp cho phần “thiệt hại” của các tập đoàn này.
Việc thực thi hai trụ cột từ BEPS sẽ mang lại một số nguồn thu cho các nước phát triển, đặc biệt là Pillar 1 với việc thu thuế các doanh nghiệp có liên quan đến kinh tế số, như nhắm vào nhóm GAFA. Tuy nhiên áp lực sẽ có từ một số tập đoàn mà chính phủ của các nước phát triển cũng không thể làm gì hơn. Có chăng các nước có trụ sở chính sẽ chia sẻ lại một phần thuế thu được dưới một hình thức nào đó nhưng điều này cũng là không tưởng trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của các nước phát triển.
Về phía các nước đang phát triển, các ưu đãi không chỉ về thuế đã tạo ra điểm cân bằng trong cạnh tranh thu hút FDI, nếu tạo ra điểm cân bằng mới thì đó phải là những quyền lợi được gia tăng cho nước nhận đầu tư, vì yêu cầu của xã hội, của người tiêu dùng trên toàn thế giới đối với các tập đoàn này phải có trách nhiệm và phải chia sẻ nhiều hơn.
Nhưng chừng nào các lỗ hổng, những cài cắm do vận động hành lang vẫn còn tồn tại trong các quy định về đánh thuế các tập đoàn này thì chúng ta vẫn còn hoài nghi về việc tăng thuế của OECD/G20, có chăng cũng chỉ là một hình thức dân túy?
Có một hy vọng mới đây cho các nước đang phát triển là Ủy ban số 2 của Liên hiệp quốc vừa thông qua dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế toàn cầu ngày 22-11-2023, theo đó đây là chủ đề cần có sự tham gia và biểu quyết của tất cả các thành viên Liên hiệp quốc, chứ không được dẫn dắt bởi chỉ OECD/G20. Đây cũng là một thách thức lớn vì vừa phải có tính kế thừa, vừa phải đảm bảo tính thực chất của chính sách, cũng như hài hòa lợi ích giữa các quốc gia.
Để đối mặt với thách thức của việc thực hiện Dự án Chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD/G20, các nước đang phát triển có thể xem xét các hướng tiếp cận sau:
Tăng cường hợp tác Quốc tế:
Xây dựng sự đồng thuận và hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia khác để đảm bảo việc thực hiện các biện pháp BEPS không bị đe dọa bởi sự chống đối hay áp lực từ các đối tác.
Điều chỉnh chính sách thuế nội địa:
Xem xét và điều chỉnh chính sách thuế nội địa để đảm bảo rằng chúng không chỉ tuân thủ các quy định của BEPS mà còn phản ánh mục tiêu phát triển của quốc gia.
Tìm kiếm các biện pháp thay thế:
Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thay thế, nếu có, để bảo vệ sự hấp dẫn của mình đối với đầu tư nước ngoài mà không cần phải dựa hoàn toàn vào các ưu đãi thuế.
Tăng cường quản lý thuế và kiểm soát:
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn lực nhân sự để củng cố quản lý thuế và kiểm soát, giúp giảm thiểu rủi ro mất thuế và tăng cường khả năng thu thuế.
Hỗ trợ doanh nghiệp nội địa:
Tăng cường hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nội địa, có thể thông qua chính sách ưu đãi không phải là thuế để giúp chúng cạnh tranh với doanh nghiệp đa quốc gia.
Tham gia chủ động vào quá trình quyết định:
Tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế, đặt ra ý kiến và đề xuất các giải pháp mà các quốc gia đang phát triển coi là hợp lý và công bằng trong việc quản lý thuế.
Đàm phán thỏa thuận đôi bên:
Nỗ lực đàm phán thỏa thuận với các đối tác đầu tư nước ngoài để đảm bảo rằng các biện pháp BEPS không ảnh hưởng quá mức đến môi trường kinh doanh và có lợi ích cả cho đầu tư và quốc gia đón đầu.
Tạo nền tảng dữ liệu mạnh mẽ:
Đầu tư vào việc xây dựng và duy trì nền tảng dữ liệu mạnh mẽ để theo dõi và đánh giá tác động của các biện pháp BEPS trên nền kinh tế nội địa.
Những bước này có thể giúp các nước đang phát triển thích ứng với thực tế mới và bảo vệ được lợi ích của mình trong bối cảnh chịu tác động BEPS và các biện pháp thuế quốc tế.