Doanh nghiệp công nghệ 'dẫn dắt' chất lượng Dịch vụ công trực tuyến

Doanh nghiệp công nghệ 'dẫn dắt' chất lượng Dịch vụ công trực tuyến

Kết quả khảo sát, giám sát, đo lường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến lần thứ nhất, năm 2023 của Bộ TT&TT cho thấy, doanh nghiệp cung cấp giải pháp Dịch vụ công trực tuyến cho Bộ, nghành, địa phương tác động trực tiếp đến chất lượng của Dịch vụ công trực tuyến tại đơn vị sử dụng.

Cụ thể, theo kết quả Bộ TT&TT công bố, 3 doanh nghiệp Tập đoàn VNPT, Công ty cổ phần Unitech và Tập đoàn Viettel có giải pháp hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho các địa phương có chất lượng cung cấp Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đạt mức A (tốt nhất). Trong khi đó, Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS có giải pháp HTTT giải quyết TTHC cho các địa phương có chất lượng cung cấp DVCTT đạt mức E (kém nhất).

Cổng dịch vụ công trực tuyến bắc ninh

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bắc Ninh do Công ty Cổ phần Công nghệ DTT xây dựng: https://dichvucong.bacninh.gov.vn. Ảnh: Hùng Cường

Theo kết quả, hiện nay có 20 doanh nghiệp đang cung cấp giải pháp HTTT giải quyết TTHC cho các Bộ, ngành, địa phương. Thị phần cung cấp giải pháp DVCTT, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, VNPT chiếm 46%, Viettel chiếm 6%, Tân Dân chiếm 6%, FPT chiếm 6%, FDS chiếm 5%, iNet chiếm 5%, DTT chiếm 4%, Unitech chiếm 4%, Liên danh Viettel và FDS chiếm 1% và 17% thị phần còn lại gồm các doanh nghiệp/ tổ chức: Đại học Cần Thơ, EFY, Savis, Cinotec, PSC, Đại Nam, SIMAX, Tecapro, Tín Đức, EDX, ICTVINA.


XEM THÊM: Dịch vụ công trực tuyến chưa thể 'Bình dân hóa'


Kết quả đánh giá đối với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, điểm trung bình đối với khối bộ, ngành là 70 điểm, trong đó: Mức độ A: 02/20 (10%); Mức độ B: 04/20 (20%); Mức độ C: 10/20 (50%); Mức độ D: 0/20 (0%); Mức độ E: 04/20 (20%).

Kết quả chỉ ra, Bộ là Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng đạt mức A xếp hạng 1, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt mức B xếp hạng lần lượt 3, 4, 5 và 6. Kết quả cũng chỉ ra 10 Bộ đạt mức C và 4 Bộ đạt mức E.

Xếp hạngTỉnh, thành phốMức độDoanh nghiệp
1Bộ Giao thông vận tảiAViettel + FDS
1Bộ Quốc phòngAViettel
3Bộ Công thươngBTự xây dựng
4Bộ Công anBVNPT
5Bộ TT&TTBVNPT

Kết quả đánh giá, xếp hạng đánh giá theo mức độ về cung cấp DVCTT các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Kết quả đánh giá đổi với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, điểm trung bình là 83 điểm, trong đó, Mức độ A là 09/63 (14%); Mức độ B: 43/63 (68%); Mức độ C là 10/63 (16%); Mức độ D là 01/63 (2%) và Mức độ E: 0/63 (0%).

Cụ thể, Các tỉnh/ thành phố: Cần Thơ, Bình Dương, Yên Bái đạt mức A xếp hạng 1. Các tỉnh, thành phố: An Giang, Bến Tre, Bình Định, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đạt mức A cùng xếp vị trí thứ 4.

Các tỉnh: Đồng Tháp, Bắc Ninh, Bắc Giang đạt mức B cùng xếp hạng 10. Tỉnh Trà Vinh và tỉnh Hà Tĩnh đạt mức B xếp hạng 13.

Tỉnh Thái Bình, tỉnh Hà Nam, tỉnh Thanh Hoá, tỉnh Hưng Yên cùng đạt mức B , xếp hạng thứ 15.

Các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Phú Thọ, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thái Nguyên đạt mức B, cùng xếp hạng 19.

Xếp hạngTỉnh, thành phốMức độDoanh nghiệp
1TP. Cần ThơAUnitech
1Bình DươngAVNPT
3Yên BáiAVNPT
4An GiangAVNPT
4Bến TreAVNPT
4Bình ĐịnhAVNPT
4Hải DươngAVNPT
4TP. Hồ Chí MinhAVNPT
4TP. Đà NẵngAUnitech
10Đồng ThápBFDS
10Bắc NinhBDTT
10Bắc GiangBSavis

Kết quả đánh giá, xếp hạng đánh giá theo mức độ DVCTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo kết quả, trong 9 cổng DVCTT đạt mức độ A, có 5/9 cổng DVCTT được các địa phương triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ của doanh nghiệp, 4/9 cổng DVCTT được triển khai dưới hình thức mua sắm giải pháp của doanh nghiệp.

Kết quả cũng chỉ ra, trong 11 cổng DVCTT đạt mức độ C và D, có 8/11 cổng DVCTT được địa phương triển khai dưới hình thức đầu tư mua sắm giải pháp của doanh nghiệp.

Thông kê cho thấy, trong 11 cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đạt mức độ A, có 2 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của Unitech, 2 cổng sử dụng giải pháp của Viettel và 7 cổng chọn dùng giải pháp do VNPT cung cấp.


XEM THÊM: Đột phá để tạo sự thay đổi căn bản về dịch vụ công trực tuyến


Kết quả cũng cho biết, trong toàn bộ 83 cổng DVCTT và hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có 39 cổng triển khai theo hình thức thuê dịch vụ của doanh nghiệp, với điểm trung bình đánh giá đạt trên 85. 40 cổng triển khai theo hình thức đầu tư mua sắm giải pháp, có điểm trung bình đánh giá là 76 điểm. Như vậy, điểm đánh giá trung bình của các cổng DVCTT được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ cao hơn 9 điểm so với cổng do bộ, gành, địa phương tự đầu tư giải pháp.

Để nâng cao chất lượng DVCTT, định hướng chính sách thời gian tới là thúc đẩy cơ quan nhà nước thuê dịch vụ thay vì đầu tư mua sắm hệ thống.

Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023, tập trung thực hiện 20 nhiệm vụ, giải pháp đã được Bộ TT&TT hướng dẫn như: Rà soát và chọn các thủ tục hành chính đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương đảm bảo triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới người đứng đầu từng sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn; có chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Theo khảo sát, giám sát, đo lường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến lần thứ nhất, năm 2023 của Bộ TT&TT, Chất lượng cung cấp DVCTT của các HTTT giải quyết TTHC được chia thành 5 mức độ, cụ thể như sau: Mức độ A: Từ 90 điểm đến 100 điểm; Mức độ B: Từ 80 đến 89 điểm; Mức độ C: Từ 65 đến 79 điểm; Mức độ D: Từ 50 - 64 điểm; Mức độ E: Dưới 50 điểm