Khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2023

Khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2023

Sáng 25/10, tại Hà Nội, Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2023 (HanoiTex & HanoiFabric 2023) đã chính thức được khai mạc.

HanoiTex & HanoiFabric 2023 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (Agtek), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Công ty CP Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam) và CP Exihibition LTD (HongKong), Công ty TNHH tổ chức Triển lãm CP Việt Nam phối hợp tổ chức.

Triển lãm diễn ra từ ngày 25-27/10/2023 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, triển lãm HanoiTex & HanoiFabric được tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 10 tại Hà Nội. Đây là chương trình thuộc chuỗi sự kiện lớn nhất về triển lãm trong ngành công nghiệp dệt may, vải và nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

 Hơn 200 gian hàng đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia HanoiTex & HanoiFabric 2023.

Triển lãm là nền tảng tốt nhất cho ngành dệt may để tìm nguồn cung ứng thiết bị, công nghệ tiên tiến, và nguyên phụ liệu đa dạng. Khách tham quan có thể tham gia nhiều chuyên đề hội thảo được các diễn giả giàu kinh nghiệm chuyên môn chia sẻ, mang đến những đề tài nóng bỏng & cấp thiết liên quan đến ngành dệt may để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nắm bắt các kỹ thuật mới, cập nhật thông tin thị trường quốc tế và xu thế mới.

Năm nay, quy mô của triển lãm năm nay lên tới 6.000m² (tăng 30% so với năm 2022) với trên 200 gian hàng đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, HongKong, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan và Việt Nam.

“Điều này khẳng định hơn sức hấp dẫn, thu hút của ngành dệt may Việt Nam trong tiến trình phát triển, cũng như sự nỗ lực của các đơn vị tổ chức giàu kinh nghiệm và có uy tín trên thị trường. Cùng với đó là sự hợp tác, tin tưởng, ủng hộ của các đơn vị sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ dệt may trong nước và quốc tế”, ông Trường nói.

Là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 44,5 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2021, Việt Nam được xác định là một điểm đến ưu tiên của ngành thời trang thế giới, nhất là trong xu thế sản xuất xanh và tuần hoàn đang diễn ra với tốc độ cao. Tuy nhiên, sự đa dạng của các nguồn nguyên vật liệu trong nước còn hạn chế đã làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành.

Ở góc độ quốc gia, để phát triển ngành dệt may bắt kịp nhu cầu cao của thế giới đòi hỏi ngành phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển thiết kế thời trang, tạo ra các thương hiệu Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thời trang dệt may, da giầy Việt Nam.

Để đạt được chỉ tiêu này, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới. Hiện nay, năng lực sản xuất vải nội địa chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%.

Bên cạnh câu chuyện chuyển đổi số, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản để đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng dệt may bền vững.