Phát triển nền tảng số: Chìa khóa thúc đẩy kinh tế số Việt Nam
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”. Ảnh: Phạm Anh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh: "Phát triển số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành phương thức phát triển chủ đạo, giúp Việt Nam bứt phá nhanh và bền vững trong thế giới đầy biến động." Theo ông Minh, kinh tế số sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số đóng góp 20% vào GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong đó, phát triển nền tảng số được xem là chiến lược then chốt để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi số.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Phạm Anh
Kinh tế số bao gồm các hoạt động kinh tế dựa trên công nghệ và dữ liệu số, hoạt động chủ yếu trong môi trường số, và sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong mỗi ngành sẽ đạt tối thiểu 10%, và tăng gấp đôi vào năm 2030. Ngoài ra, Việt Nam cũng hướng tới việc nằm trong nhóm 30 quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.
Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng Ban Chuyển đổi số - Tổng công ty viễn thông MobiFone chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Anh
Các chuyên gia tại Hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số. Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng Ban Chuyển đổi số - Tổng công ty viễn thông MobiFone, Thường vụ Ban chấp hành Vinasa cho rằng: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa rên công nghệ số.
Mục tiêu của chuyển đổi số là tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường năng suất lao động, hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Chuyển đổi số là tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp trong tất cả các bộ phận hoạt động loại bỏ các công việc không đem lại giá trị cho doanh nghiệp.
"Chuyển đổi số không đơn thuần là việc dùng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến hiện đại - phương thức sản xuất số”. Đại diện MobiFone chia sẻ.
Với những ý nghĩa trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã từng khẳng định: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế trong tiến trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Ericsson, Grab đã bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và áp dụng các mô hình kinh doanh số tiên tiến.
Theo ông Eric Yeo - Tổng Giám đốc AWS Việt Nam: Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, những cơ hội này được thể hiện qua những chính sách của Chính phủ và sự nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp, cũng như sẵn sàng tiếp cận các công nghệ mới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Rita Mokbel: 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Ảnh: Phạm Anh
Đặc biệt, bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, chia sẻ: "Muốn chuyển đổi số thành công, trước hết phải có hạ tầng mạng chất lượng cao. Việc triển khai 5G và mở rộng API mới để tăng kết nối sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số Việt Nam."
Ericsson đã và đang là đối tác tin cậy của Việt Nam trong hành trình số hóa suốt nhiều năm qua. Từ năm 2019, chúng tôi đã tham gia vào các dự án thử nghiệm 5G với các nhà mạng viễn thông trong nước, qua đó hiểu rõ tiềm năng và nhu cầu của thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm toàn cầu và vị thế dẫn đầu trong việc triển khai mạng 5G, chúng tôi luôn sẵn sàng để hỗ trợ việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam. Hiện nay, Ericsson được công nhận là đơn vị dẫn đầu toàn cầu về 5G, với việc triển khai 166 mạng 5G đang hoạt động trong tổng số 320 mạng 5G được triển khai trên toàn thế giới.
Cũng theo bà Rita Mokbel cho biết, Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại để hỗ trợ 5G, với dấu ấn quan trọng là việc đấu giá các băng tần 5G gần đây bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Các băng tần 2600 MHz và 3700 MHz đã được cấp phép, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong hành trình này.
5G sẽ mở ra một thế giới giải trí sống động, giáo dục hấp dẫn và thu hẹp khoảng cách kiến thức. Các định dạng mới như video 4K, trải nghiệm 360 độ và video đa chế độ đang ngày càng thúc đẩy việc sử dụng và tiêu thụ dữ liệu 5G. Kết nối tốt hơn sẽ mang lại những cải tiến đáng kể trong giáo dục từ xa, phát triển các thành phố thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ công, gia tăng sự hòa nhập số và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Quang cảnh Hội thảo Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam. Ảnh: Phạm Anh
Đối với doanh nghiệp, 5G là nền tảng cho hiệu quả và tính linh hoạt, giúp nâng cao năng suất, trau dồi kiến thức và tiết kiệm chi phí. Ví dụ, ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi từ việc áp dụng các khái niệm và công nghệ của Công nghiệp 4.0, đạt được hiệu suất cao hơn và chất lượng tốt hơn. 5G là cầu nối thành công cho các trường hợp ứng dụng và giải pháp doanh nghiệp mới, nhờ vào khả năng kết nối liền mạch, đáng tin cậy và an toàn.
Đại diện Ericsson Việt Nam cho biết thêm: "Trong bối cảnh nền kinh tế ứng dụng đang ngày càng phát triển và đa dạng, tận dụng các API mới - như API nền tảng, API dịch vụ và phần mềm dưới dạng dịch vụ - thông qua kiến trúc mạng có thể lập trình, chúng tôi có kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong lĩnh vực API (Application Programming Interfaces)."
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều thống nhất rằng, để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam vào top 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này, cần có sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Phát triển nền tảng số không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công nghệ thông tin mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.