Ngày 31-1, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung Electronics Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác để tổ chức chương trình VNU-Samsung Technology Track. Mục tiêu của chương trình là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ và ông Chang Yong Kim, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics trao thỏa thuận đã ký kết. Ảnh UET.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, cho biết chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track sẽ cung cấp cơ hội đào tạo thạc sĩ về bán dẫn và vi mạch cho sinh viên xuất sắc. Sinh viên tham gia chương trình sẽ được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn.
Chương trình tuyển sinh đối tượng từ năm ba hoặc năm bốn theo hệ cử nhân, với điều kiện tốt nghiệp các ngành liên quan. Sinh viên sẽ được tham gia các lớp tiếng Hàn để đạt chuẩn đầu ra TOPIK (Test of Proficiency in Korean) cấp độ 3. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ có cơ hội làm việc tại Công ty Samsung ở Hàn Quốc trong lĩnh vực chip/bán dẫn. Toàn bộ chi phí đào tạo, bao gồm cả học tiếng Hàn Quốc, sẽ được Samsung và Trường Đại học Công nghệ tài trợ.
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết - Ảnh: UET.
Tại buổi lễ, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, nhấn mạnh rằng đào tạo nhân tài là cơ sở quan trọng để phát triển quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ông hy vọng các sinh viên xuất sắc sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực bán dẫn thông qua chương trình VNU-Samsung Technology Track.
PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: UET.
Chú trọng phát triển đội ngũ và hợp tác doanh nghiệp
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ phải đào tạo được 50.000 kỹ sư chất lượng cao về vi mạch bán dẫn, xác định vi mạch điện tử là một trong các sản phẩm quốc gia.
"Đây thực sự là một thách thức lớn với các trường đại học - những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực này. Đồng thời cũng là thách thức làm sao để Việt Nam thu hút được các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực của các trường đại học", ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết vốn quý nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội là con người. Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đang có hơn 5.000 cán bộ, trong đó có hơn 3.000 nhà khoa học và đang đào tạo hơn 60.000 sinh viên ở các bậc khác nhau.
Trong toàn hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội đang có khoảng 500 chương trình đào tạo các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có khoảng 20 ngành liên quan đến bán dẫn như: Điện tử viễn thông, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, cơ điện tử, vật lý, vật liệu hóa học.
Trong đó, Trường đại học Công nghệ là một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, có đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong tất cả các khâu của lĩnh vực vi mạch, bán dẫn từ thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử để phát triển các ứng dụng.
Toàn cảnh sự kiện ngày 31/1.
Chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới chú trọng đến hai vấn đề chính là phát triển đội ngũ và hợp tác với doanh nghiệp.
Việc hợp tác với doanh nghiệp sẽ hỗ trợ Đại học Quốc gia Hà Nội nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực để cung ứng với doanh nghiệp và cũng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của nhà trường.