Đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội
Đẩy mạnh thực hiện chính quyền số
Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thực hiện Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Hà Nội tiếp tục duy trì triển khai mạng diện rộng WAN và hệ thống họp trực tuyến đến 579/579 xã, phường, thị trấn của thành phố, phát huy hiệu quả rõ rệt trong đợt phòng, chống dịch COVID-19 từ năm 2021.
Đặc biệt là việc triển khai kết nối liên thông Hệ thống họp trực tuyến của Hà Nội với Hệ thống Họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ và việc thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu thành phố theo công nghệ điện toán đám mây, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ quan, bảo đảm an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đã triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, thành phố (LGSP) kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu Trung ương và địa phương (NGSP-National Government Service Platform) nhằm phát triển chính quyền số. TP. Hà Nội cũng sắp đưa vào hoạt động hệ thống giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp thế hệ mới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Chính phủ, Bộ TT&TT và yêu cầu kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ xây dựng chính quyền số.
Ảnh minh họa.
Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Giáo dục, GTVT, Xây dựng, TNMT, Nông nghiệp, Đầu tư, Tài chính, Thuế... đang được triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định. “TP. Hà Nội tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6; tra cứu điểm, đăng ký xác nhận trúng tuyển, đăng ký xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Hệ thống Sổ liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trường tiểu học, THCS, THPT. Trong lĩnh vực Nông nghiệp, TP. Hà Nội tiếp tục duy trì Hệ thống Truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm (check.hanoi.gov.vn), ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông, lâm, thủy sản thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội” – ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ thêm.
UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan phối hợp với các cục, đơn vị thuộc Bộ Công an thực hiện kết nối Hệ thống dịch vụ công trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là cơ sở để phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan triển khai dịch vụ công liên thông về khai sinh và khai tử.
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng đã kết nối trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định. Các cơ quan, đơn vị của Hà Nội sử dụng hoàn toàn chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong gửi, nhận văn bản điện tử trong giao dịch hành chính. Đồng thời, TP. Hà Nội cũng phối hợp Bộ TT&TT bồi dưỡng về chuyển đổi số cho Lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT, cán bộ tham gia đội ngũ nòng cốt, cán bộ lãnh đạo cấp xã bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số.
Phát triển kinh tế số và xã hội số
Từ đầu năm 2021, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở TT&TT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số; phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Sở TT&TT Hà Nội cũng đã cập nhật, bổ sung các nội dung “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào dự thảo Kế hoạch “Phát triển kinh tế số và xã hội số TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025” và trình UBND TP. Hà Nội ban hành.
“Sở TT&TT Hà Nội đã tích cực triển khai các kế hoạch của Bộ TT&TT, UBND TP. Hà Nội về truyền thông và hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Sở TT&TT Hà Nội đã gửi các sàn thương mại điện tử (voso.vn và postmart.vn) danh sách 1329 sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao năm 2019, 2020, 2021 của thành phố Hà Nội để đưa lên sàn thương mại điện tử” - Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tích cực triển khai các kế hoạch của bộ TT&TT về phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Trong đó, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND về “Triển khai thử nghiệm Nền tảng Địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn thành phố Hà Nội”; hiện nay đang phối hợp với các đơn vị, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai thực hiện.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong thát triển kinh tế số và xã hội số, tuy nhiên theo Sở TT&TT Hà Nội, vẫn còn nhiều bất cập trong triển khai. Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho rằng, việc đưa ra 2 khái niệm để xác định duy nhất một cá nhân trên môi trường điện tử số gây lúng túng cho việc hướng dẫn, thu thập thông tin của cơ quan nhà nước tại địa phương cũng như việc sử dụng của người dân đối với các dịch vụ liên quan tới Danh tính điện tử và Danh tính số. Bộ TT&TT và Bộ Công an cần phối hợp, xem xét báo cáo Chính phủ thống nhất việc quy định Danh tính điện tử/Danh tính số tại các văn bản quy phạm liên quan để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong thự hiện.
Có thể bạn quan tâm


Chuyển đổi số bùng nổ trong tuyển sinh khối công nghệ - kỹ thuật 2025
Giáo dục số
Chuyển đổi số để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng
Năng lượng
Vietnam Medipharm Expo 2025: Trình diễn công nghệ AI và thiết bị y tế tiên tiến tại TP.HCM
Y tế số