Kỹ năng số - Điều còn thiếu và yếu nguồn nhân lực Việt Nam trong thời đại số

Kỹ năng số - Điều còn thiếu và yếu nguồn nhân lực Việt Nam trong thời đại số

Trong bối cảnh bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất kinh doanh đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động có trình độ kỹ năng còn nhiều hạn chế như Việt Nam cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Kỹ năng số của người lao động Việt Nam còn thấp

Nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực.

Các kỹ năng số của lao động Việt Nam còn thiếu và yếu
Các kỹ năng số của lao động Việt Nam còn thiếu và yếu.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các nước đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc trang bị những kỹ năng số cho người lao động là một trong những điều quan trọng, có vai trò quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực.

Kỹ năng số bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi.

Đối với Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào (với khoảng trên 50 triệu người) và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

Trên thực tế, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động với trình độ kỹ năng còn nhiều hạn chế như Việt Nam. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài như trước.

Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức với những kỹ năng số cơ bản; trong đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, tỷ lệ lao động kỹ năng cao của Việt Nam chỉ đạt 11,6% - kém cạnh tranh hơn so với một số thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines hay Malaysia.

Báo cáo "Thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023" (ILSSA & MPG, năm 2021), khảo sát 200 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy, mức độ đáp ứng các kỹ năng số của người lao động trong các doanh nghiệp FDI chủ yếu mới ở mức trung bình và thấp.

Đặc biệt, ở cấp độ cao hơn trong một số lĩnh vực đặc thù của ứng dụng công nghệ 4.0, mức độ đáp ứng về yêu cầu kỹ năng số của người lao động còn rất hạn chế.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp của Viện Khoa học lao động và Xã hội năm 2021 (ILSSA), hầu hết người sử dụng lao động cho rằng người lao động mới đáp ứng ở mức trung bình và thấp/rất thấp trong các lĩnh vực phân tích dữ liệu (83,25%); bảo mật dữ liệu/ bảo mật truyền thông (86%); lĩnh vực ứng dụng các hệ thống hỗ trợ (83,3%); ứng dụng phần mềm cộng tác (84,5%); ứng dụng các kỹ năng phi kỹ thuật như tư duy hệ thống và hiểu quy trình (74,1%). Điều này cho thấy còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa năng lực số của người lao động so với kỳ vọng của người sử dụng lao động.

Hiện nay, dưới tác động kép của đại dịch và kỷ nguyên số, thế giới việc làm tại Việt Nam trong tương lai sẽ chứng kiến những thay đổi lớn liên quan đến người lao động, địa điểm và cách thức làm việc. Nhiều công việc truyền thống sẽ dần biến mất hoặc bị thay thế, trong khi một số vị trí mới sẽ ra đời.

Các kỹ năng đã được đào tạo khó đáp ứng được các yêu cầu của sự phát triển công nghệ
Các kỹ năng đã được đào tạo khó đáp ứng được các yêu cầu của sự phát triển công nghệ.

Với những xu hướng đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính, nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam vẫn quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, thì đến năm 2045 Việt Nam sẽ bị mất đi khoảng 2 triệu việc làm.

Những yêu cầu đổi mới đối với lao động ở Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 là giai đoạn phát triển mới mang tính bứt phá của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh, phát triển nền kinh tế số, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Bối cảnh này cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, con người cần phát triển đồng bộ về “tâm lực-trí lực-kỹ lực-thể lực-cuộc sống hạnh phúc”, làm chủ một số công nghệ mới, tạo nền tảng để khoa học-công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, tạo bứt phá về năng suất lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Trước những tác động của chuyển đổi số, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Ở đó, người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội; doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số; Chính phủ phải có những quyết sách linh hoạt, kịp thời và số hóa hình thức quản lý.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì phải có được lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, bền vững, làm chủ được công nghệ. Lao động phải là một đầu vào của nền kinh tế.

Để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, trong những năm qua, ngành LĐTB&XH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, như: áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới.

Kết quả đạt được từ các giải pháp trên đã giúp tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên liên tục tăng qua các năm (tỷ lệ qua các năm 2019, 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 22,37%; 24,6%; 26,1% và 26,2%).

Thị trường lao động Việt Nam cần những thay đổi lớn để đảm bảo các sản phẩm đào tạo có thể đáp ứng được xu hướng phát triển của công nghệ
Thị trường lao động Việt Nam cần những thay đổi lớn để đảm bảo các sản phẩm đào tạo có thể đáp ứng được xu hướng phát triển của công nghệ.

Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ, công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động. Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, đồng thời cũng cần xây dựng một chiến lược đào tạo có tầm nhìn dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và cả những vị trí sẽ xuất hiện trong tương lai.

Còn theo ông Roshan Bajracharya, đại diện Văn phòng UNESCO Bangkok khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sống trong một thế giới số hóa, điều quan trọng là cần đảm bảo mọi người phải có năng lực, hiểu biết số, biết sử dụng những thiết bị để có thể khai thác các lợi ích từ môi trường số... Kỹ năng số được áp dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau và có thể giúp chúng ta chuyển đổi nền kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Roshan Bajracharya nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những ưu tiên của các công ty khi tuyển dụng là tìm kiếm những người có kỹ năng số, đặc biệt là khi họ tìm kiếm nhân sự cho những vị trí liên quan kỹ thuật, vì thế, mọi người cần trang bị các kỹ năng số để tìm kiếm cơ hội việc làm, đáp ứng chỉ số số hóa tốt hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Văn phòng ILO tại Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị về những năng lực số cần thiết để công dân sẵn sàng trong kỷ nguyên số, đó là: văn hóa hợp tác, làm việc nhóm, xuyên chức năng; trách nhiệm xã hội (công dân xã hội, ý thức môi trường); văn hóa chuẩn mực (chia sẻ tư duy, bản sắc riêng, các giá trị); đổi mới sáng tạo, quản lý kiến thức; làm việc hiệu quả (tiêu chuẩn hóa, tổ chức lại các quy trình); khả năng phân tích dự đoán, đưa ra quyết định; đòn bẩy công nghệ trong kỷ nguyên số (AI, học máy, internet vạn vật); khả năng thích ứng, nhanh nhạy; chiến lược - có tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích và có kế hoạch thực hiện.