Hơn 400 kiều bào dự ‘Hội nghị Diên Hồng’ hiến kế cho quê hương, Đây là lần đầu tiên Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng kiều bào tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới và Diễn đàn trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 - Ảnh: DANH KHANG.
Sáng nay 22-8 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài chính thức khai mạc.
Sự kiện do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức, có chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước", quy tụ hơn 400 kiều bào từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các doanh nhân, trí thức, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)...
Mở đầu chương trình khai mạc, toàn thể đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: HẢI TRẦN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và sẽ có phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức ba lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu.
Hội nghị năm 2024 đánh dấu tròn 20 năm nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Lần đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Úc và New Zealand tháng 3 năm nay, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Diễn đàn sẽ là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng mạng lưới đổi mới sáng tạo…
"Chúng tôi kỳ vọng hội nghị lần thứ 4 lấy trọng tâm là Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một 'Hội nghị Diên Hồng', tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Hoàng Đình Thắng - chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu - bày tỏ bên cạnh những nỗ lực của từng cá nhân trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong nước, các thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại.
Theo ông, tất cả các yếu tố này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và vị thế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
"Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở đâu vẫn luôn mang trong mình tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước. Chúng tôi tin tưởng, phấn khởi và tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước.
Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác với nhân dân trong nước, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước", ông nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đánh giá công tác ngoại giao nhân dân trong những năm qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
"Trong đó, kiều bào ta ở nước ngoài, với hơn 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một lực lượng quan trọng không thể thiếu, đã làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân, cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của đất nước. Là một kiều bào, tôi tự hào được góp phần trong những thành tựu đó", ông chia sẻ.
Hơn 400 kiều bào từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự hội nghị - Ảnh: DANH KHANG.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn bày tỏ hy vọng cùng với tinh thần yêu nước, đoàn kết, luôn hướng về cội nguồn, bà con kiều bào sẽ tiếp tục định hướng cho thế hệ con cháu - thế hệ trẻ kiều bào, những trí thức trẻ ưu tú của đất nước - sẽ tiếp bước thế hệ cha chú trở về chung tay xây dựng quê hương, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Kiều hối tương đương FDI
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có hơn 6 triệu người, sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người.
Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỉ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.
Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD. "Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ.
Theo Tuổi Trẻ