Trí thức Việt Nam ở nước ngoài: Nguồn lực tạo nên sức mạnh và vị thế quốc gia
Chủ trị hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước". Ảnh Phạm Anh.
Chiều ngày 23/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”. Hội thảo do Chủ tịch VUSTA chủ trì có sự phối hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc và mở đầu hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA; ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đều nhấn mạnh, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, mỗi một dân tộc.
Cộng đồng người Việt Nam nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, nhìn chung là cộng đồng trẻ, năng động. Tiềm năng, tiềm lực, của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài rất to lớn, cần được được khơi thông, để dòng chảy đó góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh Phạm Anh.
Phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới
Tham luận tại hội thảo ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế KH&CN, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đưa ra những giải pháp nhằm thu hút đội ngũ trí thức NVNONN trở về đóng góp và xây dựng đất nước.
Theo đó, để đạt mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025 và trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, Việt Nam cần nhanh chóng tiếp thu các tinh hoa công nghệ của nhân loại, phát huy cao nhất nguồn lực trí tuệ của toàn dân tộc, trong đó có đội ngũ trí thức NVNONN.
Thực trạng đội ngũ trí thức NVNONN
Hiện nay, theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây.
Đặc biệt, trong khoảng 15 năm trở lại đây, trí thức NVNONN đã và đang liên kết, tập hợp dưới hình thức các tổ chức hội, đoàn để phát huy sức mạnh tập thể, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng. Những hội đoàn tiêu biểu có thể kể đến là Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam của GS. Trần Thanh Vân (kiều bào Pháp), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ… Sự kết nối giữa người Việt trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia vào các dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.
Phát huy nguồn lực trí thức NVNONN
Hằng năm trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Một số cá nhân chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN tiêu biểu có thể kể đến như: GS. Trần Thanh Vân (kiều bào Pháp), Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào Canada); TS. Bùi Hải Hưng (kiều bào Hoa Kỳ và Giáo sư toán học Vũ Hà Văn (kiều bào Hoa Kỳ)
Ngoài ra, các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN cũng tích cực đóng góp ý kiến cho Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như năng lượng sạch, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cao năng suất, chất lượng…
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các chuyên gia, trí thức kiều bào đã trực tiếp kết nối, vận động các cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp sở tại hỗ trợ vaccine cho Việt Nam và thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch ở nước sở tại và đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị hữu ích cho các cơ quan trung ương và địa phương trong nước.
Có thể nói, sự đóng góp của các cá nhân NVNONN là chuyên gia, trí thức, nhà khoa học trong thời gian qua đã khẳng định tình yêu nước sâu nặng và tinh thần nhiệt huyết cháy bỏng luôn khát khao cống hiến trí tuệ cho quê hương, đất nước.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Phạm Anh.
Tồn tại trong thu hút, trọng dụng và phát huy trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Qua thực tiễn công tác, không thể phủ nhận còn tồn tại nhiều bất cấp trong việc việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào như các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả.
Ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Do đó, nhiều trí thức vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài.
Bên cạnh đó việc thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN để các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung đã làm ảnh hưởng tới sự kết nối với nhau nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng cho các cơ quan trung ương và các địa phương.
Việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai công tác thu hút nguồn lực NVNONN, hiện chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác. Mặc dù, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đã có cơ chế làm việc, trao đổi, ký thoả thuận hợp tác với các cơ quan liên quan, tuy nhiên vẫn chưa thể xây dựng kế hoạch hợp tác, triển khai công tác một cách đồng bộ, hiệu quả hơn giữa các cấp, các ngành.
Ngoài ra, còn có một số hạn chế khác như môi trường làm việc, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học, môi trường học thuật chuyên nghiệp; khác biệt về thể chế; rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa chuyên gia, trí thức NVNONN và các đồng nghiệp trong nước; các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của chuyên gia, trí thức kiều bào chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc, có hệ thống và thường không có trao đổi, phản hồi hoặc tiếp thu, sử dụng có hiệu quả.
Phát huy nguồn lực trí thức NVNONN thời gian tới
Sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, đặc biệt sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã khiến thế giới thay đổi nhanh chóng, các ngành công nghiệp tri thức đang gia tăng về số lượng. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với việc thu hút các chuyên gia, trí thức làm việc trong bộ máy cơ quan nhà nước cũng như khu vực tư nhân trong nước.
Những năm tiếp theo, đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng hơn về địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, cơ cấu tiếp tục thay đổi. Số lượng trí thức kiều bào thế hệ thứ 2,3,4 tăng lên nhanh chóng, tuy có lợi thế về chuyên môn và mạng lưới quan hệ ở sở tại nhưng mối liên hệ với quê hương lỏng lẻo hơn thế hệ trước. Nhìn chung, thế hệ trẻ sẽ thay thế dần lớp người lớn tuổi, dẫn tới một số thay đổi trong đặc điểm của trí thức NVNONN cũng như nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác phát huy nguồn lực của đội ngũ này.
Trên cơ sở đường lối phát triển đất nước thời gian tới, nước ta sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, thúc đẩy chuyển giao thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Thực tiễn này đặt ra nhu cầu cấp thiết cho Việt Nam cần khai thác tối đa, có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để tận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao đưa đất nước phát triển. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, do đó, cũng cần có chuyển biến thực chất nhằm phát huy tối đa nguồn lực dồi dào của kiều bào, đặc biệt là nguồn lực tri thức, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Thu hút chất xám về nước
Theo tình hình mới, về định hướng chính, công tác thu hút nguồn lực tri thức kiều bào thời gian tới cần tập trung vào các nội dung như khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển bền vững.
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò của cộng đồng NVNONN, và đây là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, qua đó triển khai hiệu quả công tác thu hút, sử dụng nguồn lực NVNONN.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức. Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫu cụ thể đối với Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 và Nghị định 27/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam…
Nghiên cứu mở rộng mô hình mời các chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia sâu, rộng trong tư vấn tổ chức quản lý, quy hoạch phát triển nhằm hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Việt Nam. Xây dựng chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với chuyên gia, trí thức NVNONN có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao về nước tham gia các đề án, chương trình ưu tiên, đặc biệt quan trọng của quốc gia, ngành và địa phương… Xem xét khả năng cấp nhà công vụ, hỗ trợ các khoản phụ cấp và đãi ngộ khác
Thứ ba, các Bộ/ngành, địa phương cần nghiên cứu, xây dựng một cơ chế chung áp dụng trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của đội ngũ chuyên gia, trí thức NVNONN… Trước mắt có thể nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế này ở các cơ quan cấp Bộ và ngang Bộ, sau khi cơ chế được triển khai một cách đồng bộ và đi vào ổn định, có thể cân nhắc áp dụng cho các địa phương trong nước.
Ngoài ra, cần triển khai một số chính sách cụ thể khác như Rà soát và cắt giảm các thủ tục, quy định không cần thiết hoặc gây khó khăn đối với kiều bào, đặc biệt trong đầu tư, đất đai, các thủ tục hành chính khác, vay vốn, thuế cho trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực, các lĩnh vực kinh tế - xã hội ưu tiên.
Thiết lập đầu mối phụ trách hỗ trợ thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ hoặc các dự án sáng tạo có sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp của các doanh nghiệp, trí thức NVNONN để thu hút đầu tư hay xuất khẩu sản phẩm trí tuệ; Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, Bộ/ngành, các cơ quan liên quan trong đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, lựa chọn thu hút trí thức NVNONN.
Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác vận động chuyên gia, trí thức NVNONN; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài... trong việc tập hợp, vận động trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, xây dựng cơ chế tiếp thu, phản hồi các phản ánh các đề xuất, kiến nghị của trí thức kiều bào đối với Đảng và Nhà nước.