Tòa soạn số là cơ sở để hình thành nền tảng báo chí số quốc gia. Trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng báo chí số quốc gia trên cơ sở phát huy mô hình tòa soạn hội tụ, chia sẻ và triển khai các dịch vụ trên môi trường mạng cho phép các cơ quan báo chí cùng tham gia, giao dịch, cung cấp dịch vụ theo hướng đơn giản, thuận tiện, theo yêu cầu của các cơ quan báo chí, từ đó hình thành hệ sinh thái nền tảng số cho hệ thống các cơ quan báo chí Việt Nam.
Lời tòa soạn: Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 vừa qua. Đây là Quyết định có ý nghĩa lớn lao, tạo tiền đề quan trọng để các cơ quan báo chí tại Việt Nam phát triển, hòa nhịp cùng tiến trình chuyển đổi số Quốc gia. Ngay sau đó, ngày 8/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành "Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" theo Quyết định số 781/QĐ-BTTTT. Điện tử & Ứng dụng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Tham luận của TS.Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
TS.Trần Quang Diệu chia sẻ về tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam. Ảnh: KT
Tóm tắt: Tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đã làm thay đổi thế giới, theo đó, chuyển đổi số là biểu hiện cơ bản nhất của quá trình trong đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Việt Nam đang ở giai đoạn bước đầu của phát triển và hội nhập mới và chuyển đổi số quốc gia đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tập trung nguồn lực thực hiện. Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số đã và đang trở thành xu thế tất yếu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi nghiên cứu mô hình tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số trong khu vực báo chí truyền thông để từ đó đề xuất một số gợi mở nhằm thực hiện chuyển đổi hiệu quả các hoạt động báo chí truyền thông.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã tâm đắc với các quan điểm trong hoạt động nghề nghiệp của nhà báo và các cơ quan báo chí với các nội dung vừa bình dị vừa sâu sắc, đó là: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”.
Bên cạnh đó, Người luôn dặn dò “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”. Nội dung của các quan điểm này là nền móng để nền báo chí cách mạng Việt Nam có các thành quả quan trọng trong suốt lịch sử phát triển. Với hàng ngàn bài viết trong suốt sự nghiệp báo chí của Người, di sản của người để lại rất phong phú, đa dạng từ hoạt động tổ chức, lãnh đạo đến biên tập đến các hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí đã tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng. Người khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam đã định hướng các cơ quan báo chí truyền thông, các thế hệ nhà báo luôn luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, và trong suốt lịch sử phát triển của mình, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động báo chí truyền thông luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là: “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”.
Theo đó, Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc trong việc nắm bắt, đánh giá tình hình hoạt động báo chí xuất bản đối với các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng như công tác chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ thời gian tới. Đồng thời kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, thông tin xuyên tạc, độc hại, đặc biệt trên không gian mạng.
Thể chế hóa các quan điểm này, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã có những điều chỉnh thông qua hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đó là Luật An toàn thông tin 2015; Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội…
Trên cơ sở đó, thực hiện tốt quy định của Đảng và Nhà nước đối với báo chí, xuất bản để hướng tới hệ thống báo chí thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả và tạo môi trường lành mạnh để báo chí, xuất bản phát triển.
2. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi thế giới. Bên cạnh đó, thế giới đang trải qua những thời khắc đặc biệt, tình hình diễn biến phức tạp, khó dự báo.
Trước những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng lần thứ tư, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020, ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2020, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những tiền đề để các cơ quan báo chí truyền thông của nước ta thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Năm 2022, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, đứng thứ 87/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2020, nhưng vẫn ở vị trí rất khiêm tốn, với mục tiêu của chúng ta là tối thiểu phải lọt vào nhóm 70 nước dẫn đầu vào năm 2024, con đường phía trước còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để thực hiện được các mục tiêu này, năm 2023 chúng ta cần đạt được các yêu cầu về dữ liệu mở cho 100% bộ, ngành, địa phương với các nội dung: i) danh mục dữ liệu mở; ii) kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; iii) mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch.
Đối với báo chí, năm 2022 cả nước có 815 cơ quan báo chí trong đó có 138 báo và 677 tạp chí, trong đó có 29 cơ quan báo chí chỉ thực hiện loại hình điện tử. Bên cạnh đó, cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình với 02 đài truyền hình quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài phát thanh truyền hình địa phương; 01 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng riêng với 79 kênh phát thanh; 198 kênh truyền hình. Về nhân lực, cả nước có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí nước ta đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới . Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới, trong đó có sự ảnh hưởng vừa tích cực vừa có nhiều biến động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thách thức, cơ hội của của tiến trình chuyển đổi số trên thế giới và tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Dự báo trước các tác động đó, ngày 6 tháng 5 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó mục tiêu của chiến lược là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam.
3. Trên cơ sở đó, chuyển đổi số báo chí truyền thông cần tập trung vào bám sát quy hoạch báo chí 2019 và Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, các cơ quan báo chí hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, cơ quan báo chí đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình hội tụ, đặc biệt là tòa soạn số tại các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan báo chí trọng điểm như Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… làm nền tảng và tiền đề cho các cơ quan báo chí khác ở cả Trung ương và địa phương học tập, xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của từng cơ quan, đơn vị. Tổ chức tòa soạn theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung. Hội tụ công nghệ và nội dung hướng tới việc tập trung cách thức quản lý, cách thức tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông và sự kết hợp các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp một nền tảng thống nhất tại cơ quan báo chí truyền thông từ chức năng, phương thức phát hành, quyền sở hữu, hình thái tổ chức…
Tòa soạn số dựa trên hội tụ công nghệ và nội dung là hệ quả của sự ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm thống nhất về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để cung cấp tiện ích tốt nhất cho công chúng và độc giả. Hội tụ công nghệ và nội dung cho phép các cơ quan báo chí truyền thông xây dựng một nền tảng công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan báo chí truyền thông nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của công chúng, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số. Mô hình tòa soạn số có thể được mô phỏng như hình dưới đây.
Theo mô hình tòa soạn hội tụ trên đây, phóng viên sẽ nhận yêu cầu lấy tin tại hiện trường thông qua các phần mềm quản lý hoặc trực tiếp từ các phòng/ban hay ban biên tập và thư ký tòa soạn. Các thông tin thu thập được của phóng viên sẽ được chuyển về trung tâm tích hợp dữ liệu để các phòng/ban và các phóng viên khác tái sử dụng. Tại hiện trường, phóng viên có thể thực hiện các tin/bài mang tính cập nhật. Ban Biên tập và Thư ký tòa soạn có trách nhiệm kiểm soát thông tin trước khi xuất bản đến báo in hoặc báo mạng tùy theo nhu cầu và khả năng của tòa soạn. Cần xác định rõ, hội tụ trong trường hợp này là hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ và hội tụ phương tiện trong truyền thông, khác với việc đưa tất cả các đơn vị, phòng ban, phóng viên về cùng một tòa nhà hay cùng một địa điểm.
Trên cơ sở tòa soạn số, cần phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện. Trên cơ sở phát triển các sản phẩm báo chí bằng nhiều phương tiện như viết, nghe, nhìn, trực tuyến và có thể trải nghiệm qua nhiều hình thức trình diễn như nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, ân thanh trên một sản phẩm báo chí, đồng thời phát triển các dòng sản phẩm báo chí truyền thông dựa trên nền tảng số, công cụ số để hình thành báo chí số.
Tích hợp các sản phẩm báo chí dựa trên đa nền tảng, đa dịch vụ như tích hợp nội dung thông qua hợp tác với các đối tác để phát hành trên nhiều nền tảng, kể cả các nền tảng phi báo chí như các ứng dụng mua sắm, ứng dụng ngân hàng… đồng thời, ứng dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong hoạt động báo chí truyền thông, đặc biệt trong các hoạt động sáng tạo các tác phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hầu hết dựa vào các nền tảng khác nhau để hỗ trợ các hoạt động của cơ quan báo chí, truyền thông để khai thác tối đa tài nguyên của mình để phục vụ công chúng một cách hiệu quả nhất. Khi Internet phát triển và tác động mạnh mẽ tới các cơ quan báo chí, truyền thông thì có nhiều nghiên cứu về xu thế của báo chí đa nền tảng dựa trên các hành vi của công chúng.
Ban đầu, website được ưu tiên (web-first), sau đó là nội dung số (digital-first) để chỉ một chiến lược số cho tòa soạn cụ thể. Gần đây thiết bị di động lại được ưu tiên (mobile-first) cũng như ưu tiên phát thông tin tới mạng xã hội (social-first) với mục tiêu sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông hướng tới việc phù hợp với thiết bị di động, phù hợp với sự nhanh nhạy của truyền thông xã hội và mạng xã hội. Khi thông tin phải tìm tới công chúng thì việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn là cách tốt nhất để các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận đến công chúng một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Đồng thời, phát triển nội dung số, trong đó ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nội dung số và nâng cao chất lượng trải nghiệm của công chúng. Theo đó, công chúng được tiếp cận thông tin trên môi trường số mọi lúc mọi nơi và không bị hạn chế về không gian, thời gian hay vị trí địa lý. Dưới tác động của công nghệ, công nghiệp nội dung số đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị trí tuệ cao và là phương tiện để hiện thực hóa xã hội thông tin và xã hội tri thức. Đồng thời nội dung số cũng cho phép sáng tạo và thể hiện các sản phẩm báo chí truyền thông trên các nền tảng khác nhau để tang sự tương tác với đa dạng công chúng, đồng thời phân phối và triển khai nôi dung nhanh hơn, rộng hơn và chính xác hơn theo nhu cầu của độc giả.
Tòa soạn số sẽ giúp các cơ quan báo chí truyền thông cần tiếp cận và triển khai hình thức cá nhân hóa và tùy biến các sản phẩm báo chí truyền thông. Khi báo chí truyền thông dựa trên Internet và công nghệ số, công chúng có khả năng tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn đến các dòng thông tin, xóa nhòa “biên giới” trong môi trường truyền thông. Ranh giới về địa lý, hành chính quốc gia trên không gian mạng bị “xóa mờ”, quá trình thông tin và tiếp nhận thông tin của công chúng được thực hiện liên tục, thông qua quy mô rộng lớn. Việc thông tin tự tìm đến với công chúng làm cho vấn đề cá nhân hóa và tùy biến để đáp ứng cho nhu cầu của từng công chúng ngày càng hiện hữu.
Nhu cầu của công chúng đối với sản phẩm báo chí truyền thông theo yêu cầu, cá nhân hóa giao diện, cá nhân hóa cách tiếp cận thông tin đã tạo ra sân chơi mới cho các phương tiện báo chí truyền thông. Bên cạnh đó, tòa soạn số cũng hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế báo chí truyền thông theo hướng tự chủ của các cơ quan báo chí. Hoạt động kinh tế báo chí truyền thông cần đảm bảo phù hợp với pháp luật và tôn chỉ, mục đích cũng như đảm bảo nhiệm vụ chính trị. Cần có các giải pháp đồng bộ khi các sản phẩm báo chí được tham gia thị trường như một loại hàng hóa đặc biệt, đồng thời có hành lang pháp lý để hoạt động quảng cáo của cơ quan báo chí đi vào thực chất, hiệu quả.
Để thực thi tốt hoạt động của tòa soạn số, cần quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong các chương trình đào tạo cho sinh viên hệ đại học và các hệ sau đại học. Bên cạnh đó cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo theo nhiều hình thức khác nhau theo hướng tăng cường về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo.
Tòa soạn số cũng là cơ sở để hình thành nền tảng báo chí số quốc gia. Trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng báo chí số quốc gia trên cơ sở phát huy mô hình tòa soạn hội tụ, chia sẻ và triển khai các dịch vụ trên môi trường mạng cho phép các cơ quan báo chí cùng tham gia, giao dịch, cung cấp dịch vụ theo hướng đơn giản, thuận tiện, theo yêu cầu của các cơ quan báo chí, từ đó hình thành hệ sinh thái nền tảng số cho hệ thống các cơ quan báo chí Việt Nam. Thông qua nền tảng số quốc gia, cho phép kết nối các cơ quan báo chí để có thể phát triển và chia sẻ dữ liệu rộng khắp trên cơ sở tận dụng nguồn lực, dữ liệu của các cơ quan báo chí.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông, thời đại của kết nối Internet vạn vật và trí thông minh nhân tạo. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chuyển h hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Chuyển đổi số đã mang lại xu thế của sự hội tụ về công nghệ, xuất bản theo yêu cầu của người dùng và các nền tảng báo chí mới đã ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Báo chí, truyền thông Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên báo chí số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2013.
2. Mác, Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2004. Tr 366.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021
5. Trần Quang Diệu, Mô hình tòa soạn hội tụ và gợi mở cho các học viện, nhà trường, Tạp chí Lý luận Chính trị, Tập 9, 2021
6. Trần Quang Diệu, Hội tụ công nghệ và nội dung dưới tác động của kỷ nguyên 4.0, Tạp chí người làm báo, Tập 12, 2018
TS.Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh