Doanh nghiệp Việt cần gì để tìm chỗ 'đứng' trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, công nghiệp thàng phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế thành phố (chiếm khoảng 18% GRDP). Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp thành phố đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020.
Phó Chủ tịch TP HCM Ngô Minh Châu nghe doanh nghiệp giới thiệu về sản phẩm đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, ngành này giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.
Nhận thức được vai trò của công nghiệp hỗ trợ, TP HCM đã xác định đây là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Chính vì vậy, Thành ủy và UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ và những giải pháp này đã tạo điều kiện cho ngành tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng, cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phía sở ngành, ông Trần Anh Hào, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết, tình hình phát triển ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, nhất là cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ đã được ngành Công Thương đẩy mạnh triển khai và bám sát những khó khăn của doanh nghiệp ngành công nghiệp. Cùng với đó, nhiều định hướng và giải pháp từ thành phố để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ.
Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu cao của chuỗi cung ứng.
Điển hình, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; trong đó tập trung phát triển vào 6 phân ngành công nghiệp ưu tiên sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng điện tử - công nghệ thông tin, sản phẩm từ cao su - plastic; từ đó làm nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác.
Đóng góp vào giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đã trình bày tham luận về vấn đề "Tối ưu hóa chuỗi cung ứng".
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Chuyên gia tư vấn, NC Network VN chia sẻ, khảo sát các khó khăn của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, cũng như so sánh với quốc tế và nhìn từ câu chuyện thực tế phát triển công nghiệp của các nước.
Đặc biệt, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề thực tại, khó khăn cần tháo gỡ và đề xuất giải pháp giúp cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, trên cơ sở phân tích chuyên gia cũng đề xuất chính sách, đặc biệt cần sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Đã có nhiều sản phẩm được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước những ý kiến của các chuyên gia nhận định về ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, bộ ngành đang thực hiện xây dựng và soạn thảo dự thảo Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam để tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngành này.
Ông Trương Thanh Hoài cũng cho biết, trong Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam thì đối tượng chính được xác định là doanh nghiệp và cơ chế chính sách thúc đẩy những doanh nghiệp đầu tàu Việt Nam tự chủ và từng bước lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở này, hình thành hệ sinh thái, chuỗi liên kết ngành, tăng giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với doanh nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt hoặc đầu mối trung gian.