Trong quý 2 năm nay, FPT Retail (FRT) đã thông báo số tiền lỗ sau thuế là 215 tỷ đồng, theo sau mức lợi nhuận chỉ còn 2 tỷ đồng trong quý 1.2023.
Từ dữ liệu tài chính hợp nhất quý 2.2023 cho thấy, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail; mã chứng khoán: FRT) có doanh thu hợp nhất đạt 7.170 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Trong giai đoạn này, doanh thu tài chính của công ty giảm mạnh 78%, xuống còn 9,5 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng hơn 26% lên 76 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí lãi vay (72 tỷ đồng). Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 24% và 167%, lên 963 tỷ và 256 tỷ đồng.
Cuối cùng, FRT thông báo lỗ sau thuế 215 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đó, trong quý 1.2023, lợi nhuận của FRT cũng đã sụt giảm xuống chỉ còn 2 tỷ đồng.
Tích lũy trong 6 tháng đầu năm 2023, FRT ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 14.924 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 212 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 216 tỷ đồng.
Trước bối cảnh lỗ nặng, sau 6 tháng, FPT Retail đã cắt giảm hơn 5.000 nhân sự từ 15.481 người đầu năm xuống còn 10.459 người.
Về tình hình tài chính, cuối quý 2.2023, tổng tài sản của FRT đạt mức 9.178 tỷ đồng, giảm 12,8% so với đầu năm, chủ yếu do giảm tài sản ngắn hạn còn 7.687 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, số tiền mặt và tương đương tiền của FRT giảm gần 50% so với đầu năm, xuống còn 382 tỷ đồng. Đáng chú ý, tồn kho hàng hóa của FRT đã tăng lên hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm tới 66% tổng tài sản.
Về cơ cấu vốn, nợ phải trả của FRT đang ở mức 7.401 tỷ đồng, giảm 12,7% so với đầu năm. Vay nợ tài chính giảm 21,4% xuống 4.217 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 1.777 tỷ đồng, giảm 13,3% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 4,1 lần, cho thấy doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.