Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao và cách đối phó
Phóng viên Tạp chí Điện tử & Ứng dụng trực tiếp ghi nhận cuộc gọi giả mạo ngày 02/12/2022 tại Hà Nội.
Qua các vụ việc, các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn sau:
Lừa khách hàng tự chuyển tiền: Giả mạo Cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra. Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng. Giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.
Đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng: Giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền.
Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM.
Sử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh Cơ quan Nhà nước: Đối tượng xấu gọi điện thoại giả danh cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng… gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…; giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác.
Sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP) giả số điện thoại cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Đối tượng xấu dùng ứng dụng công nghệ phần mềm công nghệ cao Voice over IP (cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình,…) thực hiện các cuộc gọi đến có số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận các số giống với số Trực ban Công an,… Sau đó tự xưng cán bộ Công an đe dọa, tống tiền nhân dân. Số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028 hoặc +028, … phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.
Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa mà quý khách hàng nên lưu ý:
Giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng). Xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính (không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, email, điện thoại, thư giấy, SMS, mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan Nhà nước).
Kiểm tra thông tin của trang website khi thực hiện giao dịch trực tuyến (chỉ nên thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao…). Hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, tại quán cafe để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử; luôn tải và cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi ngân hàng. Thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng Công an, Viện Kiểm sát, nhân viên Ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.
Một kịch bản phổ biến khác là đối tượng xấu giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu câu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa.
Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.
Bên cạnh đó, nhiều người dân còn gặp phải những cuộc gọi giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước, khóa số điện thoại đang dùng; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện…
Khi nhận được các cuộc gọi giả mạo này, các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
Cần báo cho cơ quan chức năng nếu nắm bắt được tín hiệu lừa đảo và những chiêu trò lừa có tính chất nghiêm trọng. Các địa phương cần tuyên truyền, cảnh báo cho người dân để tránh “mắc bẫy” những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản tinh vi qua những cuộc gọi giả mạo và mạng xã hội.
Mức phạt nào cho kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Theo Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Việc xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được xác định là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu hình phạt tương ứng với mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội.
Xử phạt vi phạm hành chính
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị đinh 144/2021/NĐ-CP).
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Người nào sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).
Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh KC
Hình phạt chính và hình phạt bổ sung được quy định ở tội này cụ thể như sau:
- Hình phạt chính
Khung 01: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm trong trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ...
Khung 02: Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa cơ quan, tổ chức;…
Khung 03: Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 04: Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung
Người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.