Chiều ngày 08/08/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 7 năm 2023 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Buổi họp báo cũng là dịp để Bộ TT&TT trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ và ngành TT&TT đang được dư luận quan tâm.
Bà Hoàng Thị Phương Lựu - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ phát biểu khai mạc họp báo
Dự họp báo có lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ và các nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí.
Báo cáo về tình hình hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 7 vừa qua nêu bật một số vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực viễn thông, internet và truyền thông.
Theo đó, ngành Thông tin và Truyền thông đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng tần số. Trong tháng 7/2023, Bộ TT&TT (Cục Tần số vô tuyến điện) tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về tần số.
Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm. Đồng thời đã kiểm soát, giải quyết nhiễu cho 108 Đài vô điện bị nhiễu (chủ yếu là trạm gốc di động); xử lý tổng số 49 nguồn gây nhiễu có hại (trong đó có 36 nguồn nhiễu là thiết bị trạm lặp thông tin di động, là các thiết bị người dân không được tự ý lắp đặt, sử dụng).
Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ các thuê bao điện thoại đứng tên nhiều SIM. Bộ TTTT tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều SIM (trên 10 SIM) để ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán tràn lan, v.v., thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Tính đến 19/7/2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự vào cuộc tích cực của các nhà mạng cùng với sự ủng hộ, phối hợp của người dân, khách hàng, việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM) không đúng quy định đã thu được những kết quả tích cực:
Theo thống kê đến giữa tháng 7/2023, theo số liệu các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với tất cả 100% các thuê bao đối với khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.
Bộ đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các biện pháp với mục tiêu đến 31/8/2023 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2023.
Nhằm ngăn chặn tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác và lừa đảo qua mạng, trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông nhằm hạn chế và hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Tần số vô tuyến điện, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, Mobifone) thường xuyên rà soát, phát hiện, phối hợp lực lượng Công an bắt giữ, xử lý những trường hợp sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng này.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng chú trọng công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm truyền thông xuyên biên giới. Cụ thể, ngày 4/8 vừa qua, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo phổ biến thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó có nội dung quản lý sản phẩm văn hoá trên các nền tảng xuyên biên giới.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào đều không được chấp nhận.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google, Tiktok đều có sự phối hợp tích cực trong việc gỡ bỏ các thông tin vi phạm khi được yêu cầu.
Kết quả từ 1/7/2023 đến 24/7/2023:
- Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
- Google đã gỡ 1.052 videos vi phạm trên Youtube (đạt tỷ lệ đáp ứng 91%).
- TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
Tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành giám sát tỷ lệ thông tin tiêu cực và thông tin tích cực trên báo chí, kết quả như sau:
- Tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí ở mức 20,9%, giảm 0,9% so với tháng trước. Con số này cho thấy các cơ quan báo chí đã có nhiều cố gắng hạn chế đưa tin tiêu cực, tránh gây hoang mang dư luận.
- Tỷ lệ thông tin tích cực được đăng tải trên báo chí đạt 66,4%, tăng 3,3% so với tháng trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy báo chí ngày càng chú trọng vào việc phản ánh những mặt tích cực, các gương người tốt việc tốt trong xã hội.
Theo đó, tỷ lệ thông tin tích cực chiếm ưu thế trên báo chí, đồng thời thông tin tiêu cực có xu hướng giảm dần. Đây là kết quả tích cực từ công tác quản lý và chỉ đạo của Bộ TT&TT cũng như nỗ lực tự giác của các cơ quan báo chí.
Nhìn chung, với sự quyết liệt của Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng, tình hình quản lý nhà nước đối với lĩnh vực viễn thông, internet và truyền thông thông tin trong tháng 7/2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo môi trường lành mạnh cho người dùng.