Bộ TT&TT: Những hoạt động nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số, chính phủ số
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ TT&TT.
Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện với việc tất cả các bộ, ngành địa phương đã ban hành Nghị quyết chương trình chuyển đổi số. Bộ TT&TT tập trung làm các chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực. Một số chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, một số khác đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đó là chiến lược về Bưu chính, Hạ tầng số, Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, Công nghiệp công nghệ số và Chuyển đổi số báo chí.
Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày 10/10/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, đây là sự kiện đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển.
Bộ TT&TT đã tổ chức phát động Tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, đồng hành cùng các doanh nghiệp giảm giá, ưu đãi sản phẩm, dịch vụ số để người dân được thụ hưởng các kết quả của chuyển đổi số. Tổ chức các phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng, làm cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong năm 2022 và trong thời gian tới. Trong khuôn khổ Phiên họp 03, Bộ TT&TT đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021- DTI 2021.
Triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (nền tảng OneTouch) tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn do Bộ TT&TT xây dựng. Đến nay, đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 204.397 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; bồi dưỡng, tập huấn cho 255.545 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ); phổ cập kỹ năng số cho người dân đạt trên 13,4 triệu lượt truy cập. Tổng số lượt cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành khóa học, cả trực tuyến và trực tiếp là 27.855, vượt chỉ tiêu 10.000 cán bộ, công chức, viên chức
năm 2022 đặt ra.
Tổ chức thành công Cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia (Viet Solutions) năm 2022 do Bộ TT&TT chủ trì, Cục Chuyển đổi số quốc gia và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đồng tổ chức. Kết quả, với hơn 500 hồ sơ gửi về Cuộc thi với nhiều ý tưởng độc đáo.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 ước thực hiện năm 2022 là 100%, đạt kế hoạch năm 2022 và tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính ước thực hiện năm 2022 đạt 52,8%, vượt 2% so với kế hoạch năm 2022 và tăng 17,5% so với năm 2021. Số lượng giao dịch trên nền tảng NDXP năm 2022 tăng trưởng đột biến, ước đạt 860 triệu giao dịch, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2021.
Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành
Ngoài việc tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia. Bộ đã ban hành theo thẩm quyền một số văn bản quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cụ thể:
Ngày 20/5/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.
Ngày 18/01/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 46/QĐ-BTTTT hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với thiết bị đọc mã QR phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 (Phiên bản 1.0). Ngày 08/6/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT ký Quyết định số 1051/QĐ-BTTTT ban hành yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật của Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) (Phiên bản 1.0).
Tổ chức công bố các nền tảng số, sự kiện, hoạt động phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia (dx.gov.vn), bao gồm: công bố 18 nhóm nền tảng số phục vụ Chính phủ số; công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ người dân; công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ doanh nghiệp; câu chuyện chuyển đổi số của 63 tỉnh, thành phố. Tổ chức thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan nhà nước.
Tổ chức thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan nhà nước DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ tính đến ngày 20/11/2022 là 77,1%, tăng 35,65% so với cùng kỳ năm 2021. (Dự đoán số liệu thực đạt được đến hết năm 2022: 80%, bằng 100% so với chỉ tiêu đặt ra).
Tổ chức triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ số. Nền tảng NDXP hiện đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trong đó 08 cơ sở dữ liệu và 12 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu.
Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP tính từ đầu năm 2022 đến ngày 08/12/2022 đã có khoảng 806 triệu lượt giao dịch. Trung bình 01 ngày khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch. Ước tính đến hết năm 2022 đạt 860 triệu giao dịch, gấp 4,8 lần so với năm 2021.
Triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng
Ban hành Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ TT&TT để hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ. Đây là sáng kiến nhằm huy động nhiều nguồn lực xã hội vào công tác nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số. Đến nay Tổ CNSCĐ đã được thành lập tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể:
63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập CNSCĐ. (Trong đó, 46/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành thành lập 100% Tổ CNSCĐ đến cấp xã). Số Tổ CNSCĐ đã được thành lập: 68.933 tổ. Số người tham gia Tổ CNSCĐ: 320.839 thành viên.
Trong tháng 9/2022, Bộ TT&TT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp công nghệ số và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức phổ biến, tập huấn cho 255.545 thành viên Tổ CNSCĐ tại 59/63 địa phương (04 địa phương Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam chưa tổ chức tập huấn trực tiếp do ảnh hưởng của bão) theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tài liệu phổ cập kỹ năng số cộng đồng đến các thành viên Tổ CNSCĐ và người dân được thực hiện trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) của Bộ TT&TT tại Khóa bồi dưỡng “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” để các thành viên Tổ CNSCĐ và người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện. Thành viên Tổ CNSCĐ và người dân dễ dàng truy cập vào khóa bồi dưỡng mọi lúc, mọi nơi, đơn giản bằng cách sử dụng ứng dụng Zalo và quét mã QR Code.
Xây dựng Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng DVCTT được thực hiện tự động hóa bằng Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC) của Bộ TT&TT.
Sau 11 năm thi hành, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định số 42/2022/NĐ-CP với các nội hàm quản lý mới để tạo môi trường pháp lý cho việc cung cấp thông tin và DVCTT của CQNN phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển trên thế giới; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước và góp phần nâng cao thứ hạng về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Tại hội nghị tổng kết năm 2022, Thủ tướng đánh giá cao những thành tích mà Bộ và ngành TT&TT đã đạt được trong năm 2022, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Bộ TT&TT đạt được những thành tựu đó là vì đã thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự phấn đấu, nỗ lực của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ và toàn ngành; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.