Đà Nẵng bước vào giai đoạn chuyển đổi số toàn diện và thực chất
Theo Giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực về công tác chuyển đổi số và được các cơ quan, tổ chức ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, hai năm liên tiếp (2020 và 2021), Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo công bố của Bộ TT&TT.
Đà Nẵng đã có những "thu hoạch" đầu tiên của quá trình chuyển đổi số tại Thành phố.
Cụ thể trong năm 2022, ngành TT&TT của thành phố giữ được đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng 8,8% so với năm 2021. Kinh tế số ước đóng góp 17% trong cơ cấu GRDP thành phố.
Ông Nguyễn Quang Thanh nhận định mặc dù đạt nhiều thành tích nổi bật, tuy nhiên công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện, thực chất hiệu quả và bền vững của thành phố có một số hạn chế. Đó là mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa được đề xuất để hướng dẫn triển khai; mối quan hệ thiết lập giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường còn thiếu cơ chế để duy trì, thiếu lộ trình và khung hợp tác; hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số của các trường Đại học chưa phát huy tốt. Các sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ số chưa có phương pháp tiếp cận đa kênh, để sản phẩm đi ra khỏi địa phương, quốc gia.
Chỉ ra tiềm năng phát triển công nghệ thông tin ở Đà Nẵng, bà Thân Trọng Trần Thi, Trưởng phòng Đầu tư và Hạ tầng số (Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng) cho rằng ngành công nghệ TT&TT tại Đà Nẵng đang phát triển mạnh.
Tính đến cuối năm 2022, Đà Nẵng có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 trung bình cả nước); các doanh nghiệp công nghệ thông tin và các khu công nghệ thông tin thành phố hoạt động trong các lĩnh vực thiết kế vi mạch, sản xuất phần cứng, trí tuệ nhân tạo…
Thành phố có 47.500 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành Công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố khoảng 5.700 chỉ tiêu.
Trong đó trình độ Đại học, Cao đẳng khoảng 4.500 chỉ tiêu; chuyên ngành điện tử - viễn thông hơn 700 chỉ tiêu. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng còn được cung cấp từ các cơ sở đào tạo ở khu vực và cả nước.
Quá trình chuyển đổi số tại Đà Nẵng sẽ được tiếp tục triển khai trên diện rộng.
Theo bà Thân Trọng Trần Thi, mục tiêu của Đà Nẵng đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố (trong đó công nghiệp công nghệ thông tin chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố); ngành Công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tạo động để thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội của thành phố. Các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin có tính chất đột phá để tạo thị trường, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, sáng tạo, làm chủ công nghệ...
Để đạt được mục tiêu trên thành phố sẽ phải đẩy mạnh truyền thông các chính sách hiện hành về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng Đề án thúc đẩy, phát triển, ươm tạo doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; phát triển các hạ tầng phụ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh thông qua việc áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận các thị trường quốc tế...