'Để chuyển đổi số hiệu quả, then chốt là đào tạo nguồn nhân lực số'
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng với Tập đoàn FPT nói riêng và ngành giáo dục, ngành CNTT nói chung, bởi nó thể hiện rõ sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đến quá trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam.
Đoàn đại biểu tham dự còn có ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư; ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Sỹ Hiệp - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT và các lãnh đạo Tập đoàn FPT và các công ty thành viên, cùng hơn 1.000 học sinh viên FPT Edu.
Sau khi tham quan và tìm hiểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và đặt các câu hỏi về ngành đào tạo tại Đại học FPT cũng như điều kiện sinh hoạt học tập của các bạn học sinh, sinh viên tại trường.
Thay mặt nhà trường, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT đã có bài chia sẻ về các ngành nghề đào tạo, cũng như giới thiệu chi tiết với Thủ tướng về tổ hợp kiến trúc của Trường tại khu CNC Hoà Lạc, đảm bảo việc học tập tốt của người học, giúp sinh viên sinh hoạt và trải nghiệm, làm phong phú đời sống học đường của người học.
Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm cho rằng Trường có thể có thêm nhiều khu KTX để đáp ứng nhu cầu học tập sinh hoạt cho học sinh sinh viên.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, FPT là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số tại Việt Nam từ những năm 2016. FPT đã cùng với các doanh nghiệp công nghệ khác của Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam vươn lên, trở thành điểm sáng về công nghệ thông tin trên một số lĩnh vực. Tập đoàn còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ.
Kể từ năm 2006, FPT đã mạnh dạn thành lập Đại học FPT theo mô hình của một trường Đại học thế hệ mới, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu - triển khai - ứng dụng; đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành CNTT nói riêng và công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung.
Sinh viên Đại học FPT được các tổ chức, các doanh nghiệp đánh giá cao, tỷ lệ có việc làm đạt 94,2%. Thủ tướng nhận định đây là hướng đi đúng, là những kết quả rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam nói chung, của Tập đoàn FPT nói riêng.
Từ những nền móng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Tập đoàn FPT đã đi đúng hướng, cần tiếp tục tập trung phát triển Công nghệ thông tin, phát triển lên Công nghệ số, thiết kế sản xuất chip và đi theo đó là đào tạo nguồn nhân lực. Qua những bước thăng trầm và đột phá, con đường FPT đi theo phát triển CNTT, thiết kế phát triển phần mềm, sản xuất chip là con đường đi đúng đắn nhất, phù hợp với FPT, phù hợp với xu thế của thế giới, hoàn cảnh của đất nước ta, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và gắn với sự hội nhập quốc tế sâu rộng. Những đề xuất của các đồng chí về chú trọng xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Ban ngành. Hai là thành lập Trung tâm kết nối các nguồn lực, đây là việc chắc chắn phải làm. Có chính sách, thay đổi chính sách kêu gọi đầu tư và giao các cơ quan nghiên cứu”.
Thủ tướng Chính phủ đồng thời chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và các bộ ban ngành liên quan cùng nghiên cứu, đưa ra phương án để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngắn hạn và dài hạn để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và hạnh phúc.
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT luôn coi trọng công tác giáo dục đào tạo. Từ năm 1999, FPT mở mạng lưới trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech. Năm 2006, FPT thành lập Trường Đại học FPT để dạy tiếng Nhật cho kỹ sư CNTT. Năm 2010, FPT mở bậc giáo dục nghề nghiệp. Tính đến nay, đã có 18.241 sinh viên tốt nghiệp đại học, 3.114 học sinh tốt nghiệp phổ thông (tính từ 2018 đến nay) trên tổng số 150.000 học sinh sinh viên theo học tại FPT.
“FPT đang chiếm vị trí cao trong các lĩnh vực siêu nóng của thế giới, nhờ nguồn nhân lực từ các trường Đại học Việt Nam, Đại học FPT và cả lưu học sinh Việt Nam. Năm 2022, lần đầu tiên Tập đoàn FPT đã ghi nhận 1 tỷ USD doanh số ký từ thị trường nước ngoài, tương đương doanh thu xuất khẩu hồ tiêu - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng trưởng cao ở tất cả các thị trường toàn cầu. đóng góp 7.112 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.”
Chủ tịch tập đoàn Trương Gia Bình cho biết thêm: “Đây là thời điểm tạo ra sức hấp dẫn mới cho ngành Công nghệ Việt Nam nói chung và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta nhờ nguồn lao động kỹ thuật có chứng chỉ, bằng cấp dồi dào. “Thậm chí nguồn nhân lực công nghệ cao và rất cao như AI, Chip, IoT, Big Data, kỹ thuật xe điện…Với 100 triệu dân số vàng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo công nghệ của thế giới. Tiềm năng Việt Nam có thể đứng cao Top 5 - Top 10 thế giới về công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch”.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Tập đoàn FPT đã chia sẻ về việc thành lập Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) vào tháng 3/2022. Đây là bước đi góp phần thực hiện giấc mơ bán dẫn của nhiều thế hệ cha anh từ 1979 đến nay. Theo ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor: “Năm 2022 FPT Semiconductor thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024, 2025. FPT đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản”.
“Dự kiến 2023, FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới. Đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.” Ông Quang cho biết thêm.
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chíp bán dẫn nói riêng và công nghệ trên toàn cầu, FPT kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tập trung Phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực thiết kế chip bán dẫn. Việt Nam cũng cần thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn để phát triển nguồn lực về lâu dài giống mô hình tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Việt Nam cũng cần thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào việc xây dựng nhà máy, đào tạo nhân sự cho ngành này.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng với Tập đoàn FPT nói riêng và ngành giáo dục, ngành Công nghệ thông tin nói chung, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đến quá trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam. Sau chuyến thăm FPT, Lãnh đạo Tập đoàn FPT sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và đưa chỉ đạo vào thực tế.