Nền tảng số - Kênh khai thác hiệu quả thị trường nội địa của hàng Việt
Theo đó, Bộ Công Thương xác định thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Đồng thời, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, Đề án về phát triển thương mại trong nước.
Thị trường tiêu dùng nội địa vẫn chưa được hàng hoá Việt khai thác hiệu quả trong cả thời gian dài vừa qua.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành công thương nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh,nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho việc điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.
Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,… trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước.
Mặt khác, quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống.
Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn,vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hải đảo với các loại hình hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị quy mô vừa, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi...
Cách tiếp cận bằng công nghệ sẽ mang đến hiệu quả cao cho quá trình tiếp cận thị trường nội địa của hàng Việt.
Ngoài ra, Bộ ưu tiên phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng internet … đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.
Đặc biệt, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đại.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp này, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số nội dung sau xem xét, sớm phê duyệt Tờ trình số 8525/BCT-TTTN của Bộ Công Thương về việc thông qua Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Cùng đó, chỉ đạo các cộ ngành, địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.