Không ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia Viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội (Viettel) là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam đấu giá thành công quyền sử dụng sử dụng khối băng tần 2500 - 2600 MHz cho mạng 5G trong 15 năm.
Viettel triển khai thử nghiệm 5G tại Đà Nẵng. Ảnh: Viettel
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, Phiên đấu giá khối “băng tần vàng” B1 (2500 MHz - 2600 MHz) cho mạng 5G bắt đầu lúc 14h15 phút và kéo dài qua 24 vòng đấu, diễn ra vào chiều ngày 8/3/2024. Viettel là doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần B1 (2500 MHz - 2600 MHz).
Bộ TT&TT đang thực hiện các thủ tục để phê duyệt và công bố theo quy định.
Bộ TT&TT khẳng định, đây là lần đầu tiên tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật tần số Vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. Được biết, có ba nhà mạng tham gia đấu giá lần này.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tich Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) dẫn lý do vì sao cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số: “Đây không phải là chính sách mới hoàn toàn mà đã quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 nhằm hai mục tiêu: Một là, minh bạch hoá quy trình cấp phép tần số quý hiếm; hai là, thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách”.
Phó Chủ tich Hội REV nhấn mạnh: “Mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảo bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh”.
Để đạt được mục tiêu đó, trước hết nhà nước nên quy hoạch để có từ 3-4 khối tần số ở mỗi đoạn băng tần thấp, trung bình và cao cho thị trường. Việc đấu giá nên thực hiện đồng thời cho các khối trong mỗi đoạn băng tần. Như vậy để các doanh nghiệp lớn đang cạnh tranh trên thị trường có được cơ hội và điều kiện cạnh tranh bình đẳng.
Mặt khác, làm như vậy cũng tránh được việc đẩy giá tần số lên quá cao, nếu đấu giá và cấp phép một khối tần số 5G trong khi các khối khác chưa sẵn sàng. Thế giới đã có bài học về giá tần sô khi đấu giá tần số cho 3G đầu những năm 2000. Nhiều nhà mạng không còn khả năng đầu tư mạng lưới sau khi thắng đấu giá tần số.
Viettel cho biết, băng tần 2500 - 2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Viettel, bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz).
Việc trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để Viettel đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G.
Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500 - 2600 MHz.
Đại diện nhà mạng Viettel cho biết, dự kiến Viettel sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) vào ngày 14/3/2024 và C2 (3700-3800 MHz) vào ngày 19/3/2024.