Sáng ngày 27/9/2023, Chương trình hội thảo "Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam" đã diễn ra tại Trụ sở Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc hội thảo ngày 27/9.
Tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam", bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết ngành nông sản hiện nay có hơn 10 nhóm mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, và đồ gỗ. Đây cũng là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, EU, và Nhật Bản. Trong đó, EU được xem là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết.
Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương trình bày tham luận.
Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, cũng chia sẻ rằng nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng lên 16,9 tỷ USD, tăng 11,5%. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 3,55 tỉ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng ngành sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết theo chuỗi, và trình độ sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao.
Công nghiệp nông sản của Việt Nam chủ yếu tập trung vào xuất khẩu nguyên liệu do thiếu công nghệ chế biến và bảo quản. Điều này dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định của thị trường quốc tế từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc.
Để nâng cao năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản, các chuyên gia đề xuất cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, từ sản xuất đến chế biến, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Công nghệ được coi là yếu tố quan trọng giúp tăng giá trị và nâng cao thị phần của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng được quan trọng hóa. Khoa học công nghệ đã đóng góp một phần lớn vào thành công của nông nghiệp Việt Nam, và việc áp dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục là điều quan trọng để nâng cao giá trị và cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tại hội thảo, Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày tham luận, nội dung nêu rõ.
Thực trạng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp đã có nhiều kết quả cao tại Việt Nam trong thời gian qua.
Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã ngày càng được quan tâm, nhân rộng trong cả nước, trong đó TFP đóng góp trên 50% tăng trưởng ngành nông nghiệp. Nhiều hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới tích hợp nhiều công nghệ cao, Ứng dụng BigData, IoT, AI trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, Ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất, tự động hóa và chế biến sâu sau thu hoạch.
Trong đó, chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia cụ thể như:
Về lúa gạo: đã chọn tạo, phát triển và công nhận lưu hành 19 giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu một số sâu bệnh chính
Về nấm ăn và nấm dược liệu: đã xác định được 12 nguồn gen nấm mới thuộc 6 giống nấm chủ lực, năng suất giống nấm mới tăng từ 13-26% so với giống hiện có; Đã công nhận được 11 tiến bộ kỹ thuật cấp bộ và 30 tiến bộ kỹ thuật cấp cơ sở; Đã đưa vào sản xuất thử nghiệm 135,4 tấn giống nấm mới các loại.
Về sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng cao: Cuối năm 2020 đã hoàn thành thủ tục công bố lưu hành 2 giống cà phê mới, có 3 tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận. Sản xuất cà phê chồn bằng công nghệ vi sinh...
Ngoài ra, trong lĩnh vực thủy sản cũng đạt được nhiều kết quả đáng khen ngợi, sản phẩm Cá da trơn, tôm nước lợ Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn và sản phẩm tôm nước lợ (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng); Phát triển được công nghệ nuôi tôm hùm trong bể với hệ thống tuần hoàn bằng thức ăn công nghiệp...
Bên cạnh những thuận lợi, còn có nhiều khó khăn, thách thức vẫn tồn tại cho đến hiện tại. Tại lĩnh vực trồng trọt, thì tỷ lệ phân bón vô cơ là 80,4%; Thuốc bảo vệ thực vật là 13% có nguồn gốc từ sinh học, còn lại vẫn là hóa chất.
Đối với chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ 70% phải nhập khẩu, tương đương 5,7 tỷ USD; Lượng kháng sinh sử dụng trên đầu gia cầm gấp nhiều lần một số nước châu Âu, từ đó dẫn đến chúng ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo "Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.
Kinh nghiệm của một số Quốc gia trên thế giới như tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật khuyến khích việc tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua ngân hàng đất đai mà những người có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh có thể mua hoặc thuê đất của những người không có nhu cầu để tập trung, đủ quy mô áp dụng công nghệ.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp thông qua các viện nghiên cứu nông nghiệp của Nhà nước và chính quyền các địa phương. Các viện nghiên cứu nông nghiệp, các trường đại học tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và các hội khuyến nông, các tổ chức của nông dân nhằm giúp nông dân tiếp cận công nghệ, trang thiết bị hiện đại.
Còn tại ISRAEL, Chính phủ nước họ đầu tư xây dựng, thành lập các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp.
Chính phủ, các ngân hàng luôn sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng và dự án nông nghiệp mới. Các nhà “phát minh mới chớm nở” tại địa phương nhận được sự hỗ trợ (tư liệu sản xuất, nguồn lực tài chính) và tư vấn từ các chuyên gia khởi nghiệp, chính phủ. Tổ chức các triển lãm công nghệ nông nghiệp tại thành phố Tel Aviv, Israel. Đây là một sự kiện hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp, nơi trình diễn, xúc tiến kết nối các công nghệ nông nghiệp mới nhất của Israel và thế giới.