Các nguyên tắc quản lý trang thông tin điện tử
Ảnh minh họa
Theo điều 27 của Dự thảo, các nguyên tắc quản lý trang thông tin điện tử được đề xuất gồm:
1. Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam
Chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
2. Trang thông tin điện tử không phải cấp phép theo quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành;
b) Trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử nội bộ;
c) Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
3. Các trang thông tin điện tử
Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, trang thông tin điện tử cá nhân, khi có cung cấp thông tin tổng hợp thì phải có Giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp.
4. Ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật
Các trang thông tin điện tử quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này hoạt động tại Việt Nam có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương (bằng văn bản, điện thoại, hoặc qua phương tiện điện tử).
Các trang thông tin điện tử phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ngay các nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.
Trường hợp không xử lý theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nội dung, ứng dụng, dịch vụ vi phạm pháp luật.
Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm pháp luật đã được xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.
5. Việc cấp phép và quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp tuân thủ theo quy định sau:
a) Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 6 Điều này;
b) Trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí chỉ được dẫn lại, đăng lại các sản phẩm báo chí đã được phát hành, phát sóng trước đó. Quy trình thủ tục cấp phép, quản lý như đối với trang thông tin điện tử tổng hợp;
c) Trang thông tin điện tử tổng hợp được phép liên kết với cơ quan báo chí điện tử (không bao gồm các đài phát thanh, truyền hình) để sản xuất nội dung về các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội theo quy định tại Điều 37 Luật Báo chí trên cơ sở phải có văn bản thỏa thuận hợp tác sản xuất về nội dung.
6. Điều kiện cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp
a) Là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp;
b) Có tổ chức, nhân sự đáp ứng theo quy định tại Điều 28 Nghị định này;
c) Đã đăng ký sử dụng tên miền để thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và đáp ứng quy định tại Điều 29 Nghị định này;
d) Đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật theo quy định tại Điều 30 Nghị định này;
đ) Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và quản lý thông tin theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.
7. Việc quản lý và cấp phép mạng xã hội tuân thủ theo quy định sau:
a) Phân loại mạng xã hội: Mạng xã hội nước ngoài do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Việc quản lý mạng xã hội nước ngoài thực hiện theo các quy định tại Điều 26 Nghị định này.
Mạng xã hội trong nước do tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân tại Việt Nam cung cấp, bao gồm:
- Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn: Là mạng xã hội có số lượng người truy cập (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trong thời gian 06 tháng liên tục) từ 10.000 người trở lên hoặc có trên 1.000 thành viên sử dụng thường xuyên trong tháng;
- Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp: Là các mạng xã hội có số lượng người truy cập (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trong thời gian 06 tháng liên tục) dưới 10.000 người hoặc có dưới 1.000 thành viên sử dụng thường xuyên trong tháng.
b) Tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ được cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội (đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn) hoặc đã thông báo bằng văn bản với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xác nhận bằng văn bản (đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp);
c) Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát, thống kê và có văn bản thông báo nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định tại Điều 32, Điều 34 Nghị định này đối với các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn';
d) Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử);
Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực truyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử) thì thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
đ) Nền tảng số đa dịch vụ là nền tảng cung cấp, tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một trang thông tin điện tử hoặc một ứng dụng;
Nền tảng số đa dịch vụ khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội và các dịch vụ chuyên ngành khác thì phải có Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Giấy phép/Giấy chứng nhận cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành;
Trong trường hợp nền tảng số có cung cấp mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp thì phải phân định hai loại hình này thành các chuyên mục riêng biệt theo nguyên tắc không xen lẫn nội dung với nhau;
e) Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử chuyên ngành nếu cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều này;
g) Các cơ quan báo chí khi thiết lập tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội trong và ngoài nước có trách nhiệm đăng ký thông tin với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, có cam kết chịu trách nhiệm về các thông tin do cơ quan báo chí cung cấp đảm bảo tuân thủ theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đã được ghi trong Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
8. Tổ chức, doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phù hợp với dịch vụ mạng xã hội cung cấp;
b) Có tổ chức, nhân sự đáp ứng theo quy định tại Điều 28 Nghị định này;
c) Đã đăng ký sử dụng tên miền để cung cấp dịch vụ mạng xã hội và đáp ứng quy định tại Điều 29 Nghị định này;
d) Đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật theo quy định tại Điều 30 Nghị định này;
đ) Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và quản lý thông tin theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.
9. Hiệu lực Giấy phép, Giấy xác nhận
a) Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội có thời hạn theo đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 05 năm;
b) Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội không còn hiệu lực khi tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản, bị thu hồi, hoặc sau 12 (mười hai) tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực mà tổ chức, doanh nghiệp không triển khai hoạt động trên thực tế, không có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp phép/cấp xác nhận. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép/cấp xác nhận sẽ ban hành quyết định thu hồi các Giấy phép/Giấy xác nhận hết hiệu lực và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép/cấp xác nhận.
Trường hợp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội không còn hiệu lực, bị thu hồi, việc cấp lại giấy phép thực hiện như thủ tục cấp mới theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Nghị định này.
10. Thẩm quyền cấp phép:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn;
b) Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp Giấy xác nhận thông báo đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp;
c) Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho cơ quan báo chí, cơ quan ngoại giao và lãnh sự, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Trung ương, tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho tổ chức, doanh nghiệp không thuộc các đối tượng quy định tại điểm c khoản này và có trụ sở chính hoạt động tại địa phương.
11. Thông tin và vị trí cần hiển thị trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước:
a) Tên của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quản lý trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội; tên cơ quan chủ quản (nếu có); địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ; tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung; biểu tượng trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được cấp phép.
Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải có thêm số Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo đang còn hiệu lực, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp phép;
Phải ghi rõ tên trang và tên loại hình dịch vụ (trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội). Tên loại hình dịch vụ phải ghi ở ngay dưới tên trang/tên ứng dụng, có cỡ chữ cao bằng 2/3 cỡ chữ của tên trang và có màu không bị lẫn vào màu nền.
Tên trang không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: báo, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã;
b) Đối với trang thông tin điện tử truy cập qua tên miền: Tên trang và tên loại hình dịch vụ đặt trên đầu trang chủ, các thông tin cần hiển thị khác nằm ở cuối trang chủ;
Đối với trang thông tin điện tử truy cập qua ứng dụng trên mạng: Tên trang và tên loại hình dịch vụ phải được thể hiện ở trang chủ của ứng dụng; các thông tin cần hiển thị khác nằm ở mục Thông tin liên hệ.
12. Chế độ báo cáo:
a) Tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép/Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm theo Mẫu số 20 (đối với trang thông tin điện tử tổng hợp) hoặc Mẫu số 14 (đối với mạng xã hội) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương;
Báo cáo gửi trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động;
b) Sở Thông tin và Truyền thông địa phương gửi danh sách các trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép theo thẩm quyền, danh sách các trang thông tin điện tử tổng hợp bị đình chỉ, thu hồi, không còn hiệu lực định kỳ trước ngày 25 hàng tháng và gửi báo cáo định kỳ 06 tháng một lần (trước ngày 30 tháng 6 và trước ngày 31 tháng 12 hằng năm) đối với hoạt động quản lý nhà nước về thông tin điện tử trên mạng tại địa phương tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Báo cáo định kỳ gồm các nội dung đánh giá công tác quản lý, cấp phép và xử lý vi phạm, số liệu cấp phép và xử lý vi phạm, đề xuất, kiến nghị...