'Cha đẻ' của chatGPT: Yêu cầu cấp phép và thử nghiệm trước khi phê duyệt mô hình AI

'Cha đẻ' của chatGPT: Yêu cầu cấp phép và thử nghiệm trước khi phê duyệt mô hình AI

Đó là khẳng định của Giám đốc điều hành (CEO) công ty OpenAI Sam Altman, người được xem là "cha đẻ" của ứng dụng ChatGPT khi cho rằng cần có các quy định đối với AI trước những lo ngại của giới chuyên gia công nghệ về sự an toàn, bảo mật và những khả năng của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống.

Theo đó tại phiên điều trần trước Tiểu ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, CEO Altman nhấn mạnh OpenAI được thành lập dựa trên niềm tin rằng AI có khả năng cải thiện gần như mọi khía cạnh trong đời sống con người, song cũng có thể gây những rủi ro nghiêm trọng.

Ông dự đoán trong thời gian tới, AI do OpenAI phát triển sẽ giải quyết một số thách thức lớn nhất trên thế giới như biến đổi khí hậu và điều trị bệnh ung thư.

Tuy nhiên, trước những lo ngại về thông tin sai lệch, đảm bảo việc làm và các rủi ro tiềm tàng khác, ông cho rằng sự can thiệp của chính phủ thông qua các quy định có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng của những công nghệ ngày càng phát triển.

Giới chức các quốc gia cũng như chuyên gia công nghệ trên thế giới thường xuyên bày tỏ những lo ngại về mặt trái của công nghệ đặc biệt là các mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo tương tự với chatGPT

Giới chức các quốc gia cũng như chuyên gia công nghệ trên thế giới thường xuyên bày tỏ những lo ngại về mặt trái của công nghệ đặc biệt là các mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo tương tự với chatGPT.

"Cha đẻ" của ChatGPT khuyến nghị Chính phủ Mỹ có thể cân nhắc kết hợp các yêu cầu cấp phép và thử nghiệm trước khi phê duyệt các mô hình AI nhiều tính năng, đồng thời xem xét thẩm quyền thu hồi giấy phép trong trường hợp vi phạm quy định.

Ngoài ra, ông Altman cho rằng nên dán nhãn sản phẩm và tăng cường phối hợp toàn cầu trong việc xây dựng các quy định về công nghệ cũng như thành lập một cơ quan chuyên trách của Mỹ giải quyết các vấn đề về AI.

Các công cụ AI đã tạo nên "cơn sốt công nghệ" sau khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh - sinh viên vượt qua các kỳ thi khó.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại về cách ChatGPT và các đối thủ thu thập, xử lý dữ liệu. Tại buổi điều trần, các nhà lập pháp và đại diện các hãng công nghệ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các bước phát triển nhanh chóng của AI, chia sẻ quan điểm cần có chính sách quản lý AI rõ ràng và hiệu quả hơn.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Blumenthal cho rằng các công nghệ AI giờ đây không chỉ đơn thuần là những thí nghiệm nghiên cứu hay những điều trong khoa học viễn tưởng, mà AI đã thực sự hiện hữu trong cuộc sống.

Bà Christina Montgomery, Giám đốc về Quyền riêng tư, Công ty IBM (Mỹ), nhận định kỷ nguyên AI sẽ phát triển rất nhanh chóng và có thể phá vỡ mọi thứ. Điều cần thiết lúc này là phải có các chính sách rõ ràng và biện pháp bảo vệ phù hợp.

Trong khi đó, Giáo sư Gary Marcus, Đại học New York, cho rằng xã hội đang phải đối mặt với sự vô trách nhiệm của các công ty, triển khai tràn lan, thiếu quy định đầy đủ và không đáng tin cậy trong phát triển và ứng dụng AI.