Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Đức Trung cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh “Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế” với mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP và đạt 30% GDP vào năm 2030. Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10 tháng 10 hàng năm là ngày chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ sự phát triển của kinh tế số và lĩnh vực công nghệ thông tin, Chính phủ dành nhiều nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Ông Dennis Quennet- Giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế GIZ phát biểu tại hội nghị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang rất quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, cũng như chủ động huy động các nguồn lực, các doanh nghiệp công nghệ lớn để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV.
Ông Dennis Quennet- Giám đốc Chương trình Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế GIZ- cũng cho biết : Chuyển đổi số sẽ đóng góp tích cực cho nỗ lực cắt giảm phát thải. Hiện nay, chuyển đổi kép đã trở thành xu thế mới trên toàn cầu, trong đó các giải pháp số sẽ được áp dụng để quản lý tốt hơn các vấn đề môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
“Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng suất, dễ dàng hơn trong tìm kiếm thị trường mới, và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, số hóa cũng tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và các vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta cần có những giải pháp quản lý tốt để tối ưu hóa các lợi ích và giảm thiểu các rủi ro từ quá trình chuyển đổi số”- ông Dennis Quennet cho hay.
Tại Hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ với 5 doanh nghiệp công nghệ với tổng giá trị hơn 33 tỷ đồng. 5 doanh nghiệp công nghệ ký kết với Cục Phát triển doanh nghiệp bao gồm: Tổng công ty Viễn thông MobiFone trao tặng Gói hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho 1.000 doanh nghiệp, tổng giá trị 8 tỷ đồng; Công ty cổ phần MISA trao tặng Gói hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho 3.000 doanh nghiệp, tổng giá trị 7 tỷ đồng; Công ty FPT Smart Cloud trao tặng Gói hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho 500 doanh nghiệp, tổng giá trị 5 tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội nghị.
Cùng đó, Công ty 1C Việt Nam trao tặng Gói hỗ trợ cho tối đa 300 doanh nghiệp khi dùng giải pháp Mini-ERP, tổng giá trị 6 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghệ & Giải pháp CMC trao tặng Gói hỗ trợ cho tối đa 300 doanh nghiệp với tổng giá trị 7 tỷ đồng.
Các bên đã thống nhất và cam kết xây dựng các gói hỗ trợ về tư vấn, giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đây cũng là dấu mốc quan trọng thể hiện sự đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước trong công cuộc thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.
Biên bản ghi nhớ hợp tác hướng tới các mục tiêu nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình truyền thông, hội nghị, hội thảo tập huấn về chuyển đổi số; hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số thông qua các hoạt động đào tạo, hướng dẫn ứng dụng các công nghệ số, trong đó có thử nghiệm các nền tảng, giải pháp của các đơn vị.
Đồng thời, cam kết đồng hành cùng Cục Phát triển doanh nghiệp trong việc hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khi mua sắm, sử dụng công nghệ của các đơn vị. Hỗ trợ chuyên gia tư vấn chuyên sâu theo thế mạnh của các đơn vị tại doanh nghiệp nhằm hình thành các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công điển hình.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ với 5 doanh nghiệp công nghệ với tổng giá trị hơn 33 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, hợp tác trên xây dựng được các gói giải pháp ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí tư vấn hay các giải pháp số nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua đó góp phần đẩy mạnh tính tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, tổng công ty. Nâng cao tính hiệu quả trong doanh nghiệp dẫn dắt, trách nhiệm với cộng đồng; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Lê Minh- Giám đốc công nghệ Tổng công ty Công nghệ & Giải pháp CMC cho biết, với hợp tác triển khai Chương trình lần này, Tổng công ty Công nghệ & Giải pháp CMC mong muốn đóng góp sức lực của mình trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam; giúp các doanh nghiệp Việt từng bước nâng cao lợi thế cạnh tranh của đơn vị vươn tầm khu vực.
Bà Phạm Hoài Anh- Giám đốc Thương mại 1C Việt Nam chia sẻ: “Lễ ký kết là cột mốc quan trọng khẳng định cam kết của 1C Việt Nam trong việc đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trên con đường chuyển đổi số, cùng nhau phát triển bền vững với sự hỗ trợ của công nghệ”.