Ông Đào Hữu Duy Anh - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) tiết lộ tại đại hội cổ đông thường niên 2023, DGC đang đăng ký để cung cấp cho Coca-Cola, một trong những thương hiệu sử dụng acid phosphoric thực phẩm lớn nhất toàn cầu.
DGC sẽ hợp tác phân phối acid phosphoric thực phẩm cho Coca-Cola?
Ông Đào Hữu Duy Anh – Tổng Giám đốc DGC cho biết quá trình tiêu thụ acid phosphoric thực phẩm trên thế giới, nhu cầu đang là rất tốt. DGC bắt đầu mở rộng ra các thị trường lớn, như Mỹ. DGC cũng được được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, khi Mỹ áp dụng quy định chống bán phá giá các sản phẩm liên quan đến phosphate (phốt phát) từ Trung Quốc, qua đó giúp nhu cầu acid phosphoric từ Việt Nam là rất lớn với 3 - 4 nhà phân phối cùng sản lượng tăng theo tháng.
Ông Duy Anh tiết lộ, DGC đang đăng ký để cung cấp cho Coca-Cola, một trong những thương hiệu sử dụng acid phosphoric thực phẩm lớn nhất toàn cầu. Do có những bất ổn từ thị trường Trung Quốc, Coca-Cola muốn tìm một nguồn cung cấp ổn định hơn, và DGC hiện đang là ứng viên hàng đầu để cung ứng cho Coca-Cola toàn cầu. Nếu thành công, “sản lượng sẽ là vô cùng lớn”, Tổng Giám đốc DGC tiết lộ.
Về thị trường Thái Lan, ông Duy Anh cho biết đây là một thị trường tiềm năng. Trước đây, Thái Lan thường nhập acid phosphoric chủ yếu từ Trung Quốc, mỗi năm nhập 80,000 - 90,000 tấn. Trong khi đó, Trung Quốc dường như đang muốn hạn chế xuất khẩu acid phosphoric, vì muốn bảo tồn nguồn quặng apatit. Vậy nên các khách hàng lớn muốn mua acid phosphoric thực phẩm đều có nhu cầu tìm một nhà cung cấp mới – điều DGC đang được hưởng lợi.
Với acid trích ly, ông Duy Anh nhận định nhu cầu trên thế giới vẫn đang rất tốt dù giá bán đang giảm mạnh. DGC cũng đang phải từ chối một số đơn hàng quốc tế để sản xuất cho thị trường trong nước.
Đối với mặt hàng LCD - sử dụng acid phosphoric điện tử, DGC đã tiến hành gửi mẫu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, và Nhật Bản. Tuy nhiên ông cho biết, phong cách mua hàng với mặt hàng này tương đối khác biệt, khi các đối tác yêu cầu ban đầu chỉ gửi mẫu nhỏ giọt, khoảng 5 - 10 kg. Sau khi kiểm tra độ ổn định, sẽ tiến đến gửi 300 kg, rồi đến hàng tấn, rồi theo container. Hiện tại, DGC đã đến giai đoạn chuyển hàng theo container.
Dự án alumin sẽ là yếu tố “nuôi Đức Giang tới trăm tuổi”
Cập nhật về dự án alumin tại Đắk Nông, ông Duy Anh cho biết DGC đang chờ quy hoạch khai thác khoáng sản quốc gia được phê duyệt. Ông kỳ vọng sẽ được phê duyệt vào tháng 4.
Chủ tịch Đào Hữu Huyền cũng nói thêm về dự án này: “Dự án alumin chính là thứ sẽ duy trì tập đoàn này đến 100 tuổi – tức 40 năm nữa”. Chủ tịch cho biết, sẽ không thể đào apatit mãi được, mà cần dự án cho thế hệ sau. Dự án này cũng là một trong những lý do chính khiến DGC phải giữ lại tiền, để nếu dự án được phê duyệt trong tháng 4 sẽ có đủ tiền để tiến hành triển khai.
Alumin là dự án khai thác quặng bô xít để chế biến thành nhôm. Theo kế hoạch công bố trước đây, DGC dự kiến triển khai khai thác quặng, chế biến thành alumin (2025 - 2026) và chế biến alumin thành nhôm.