Kinh tế số - Động lực mới để kinh tế Việt Nam tăng trưởng
Theo tính toán của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành trong suốt 3 Quý năm 2022.
Đánh giá của PGS. TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%) và hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số (tăng gần 104% so với Quý I/2022).
PGS. TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT).
Số liệu tạm tính, đóng góp của kinh tế số cho GDP Quý III/2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó: kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,15%; kinh tế số nền tảng ước tính đóng góp 2,84% và kinh tế số ngành ước tính đóng góp khoảng 4,28%.
Cụ thể, quy mô thị trường số của Việt Nam hiện nay còn nhỏ, xếp thứ 25/39 quốc gia. Việt Nam có tiềm năng phát triển quy mô thị trường hơn thế khi tổng dân số Việt Nam xếp thứ 15 toàn cầu [WorldBank, 2021] và Việt Nam sẽ trải nghiệm sự mở rộng đột phá về khả năng kết nối và thâm nhập thiết bị, tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán và giải trí kỹ thuật số.
Xét về mặt giá trị, công nghệ số đóng góp nhiều nhất ở ngành công nghệ chế biến, chế tạo; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, xe có động cơ khác và các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
Về đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay các bảng cân đối liên ngành IO của các địa phương đang được hoàn thiện nên việc đo lường sẽ được thực hiện trong năm 2023.
Cũng theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), năm 2022 là năm khởi động, bước đầu thiết lập thể chế gồm pháp lý, tổ chức quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Năm 2023 là năm nền tảng, có tính chất bản lề thực hiện các mục tiêu đến năm 2025.
Với tiềm năng về người dùng số thành thị tại Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ vận tải và giao đồ ăn đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%.
Cùng với đó là dịch vụ tài chính số được kỳ vọng phát triển vượt bậc. Lĩnh vực cho vay số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114% giai đoạn 2021 - 2022 và duy trì ở mức tăng 56% giai đoạn 2022 - 2025.
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số, rất cần hoàn thiện phương pháp đo lường để kịp thời định hướng, điều chỉnh chính sách. Khái quát lại các tổ chức, các quốc gia trên thế giới hiện đi theo 02 phương pháp đo lường chính như sau: Điều tra khảo sát thống kê dựa trên hệ thống tài khoản vệ tinh (điển hình là Mỹ, ADB, OECD,...); thứ 2, ước lượng từ mô hình hạch toán tăng trưởng (điển hình là phương pháp của Học viện về CNTT&TT Trung Quốc (CAICT), Huawei & Oxford Economics,...).
Việt Nam đang có cách thức tiếp cận hiệu quả để phát triển kinh tế số trong năm 2022 và định hướng tăng trưởng trong năm 2023.
Tại Việt Nam, Bộ KH&ĐT được giao là đơn vị chủ trì cập nhật các chỉ tiêu kinh tế số và hàng năm thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập, công bố kết quả thống kê, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số của quốc gia theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&ĐT đang tích cực phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để chuẩn hóa phương pháp đo lường.
Tuy nhiên trong quá trình chờ chuẩn hóa phương pháp của Bộ KH&ĐT, để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), hiện Bộ TT&TT đã nghiên cứu, dưới sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước để tạm tính các số liệu phát triển kinh tế số và xã hội số liên quan đến việc theo dõi 03 chỉ tiêu: Tỷ trọng kinh tế số trên GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ.