Nghị quyết 06: Nền tảng cho một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hiệu quả
Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế…
Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ hơn những điểm yếu lâu nay của thị trường lao động Việt Nam, đó là thiếu những giải pháp căn cơ lâu dài để khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động, khan hiếm lao động trình độ cao; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, dự báo nhu cầu kỹ năng tương lai; giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...
Với thực tế này, ngày 10/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. Nghị quyết chỉ rõ, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế…
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao…
Phấn đấu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát là thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp gồm: Hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm: Nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động như: Bổ sung, hoàn thiện các chính sách mang tính chủ động, phòng ngừa thất nghiệp; Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho người lao động; Quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp.
Phục hồi và ổn định thị trường lao động, bám sát thực tiễn, quản trị nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trường khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung - cầu lao động. Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động: Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, tạo nhiều việc làm mới có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Khẩn trương triển khai các điều kiện đảm bảo hiệu quả việc phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời trong cộng đồng.
Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.
Trong công tác truyền thông, cần nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu một số cơ quan bộ, ngành, địa phương, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động bền vững. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bài bản, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể tham gia thị trường lao động; đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hoạt động đào tạo nghề. Bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc miễn học phí năm học 2022 – 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.