Quốc hội thông qua cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Với 92,59% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó 92,18% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 89 điều, quy định về nhiều vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là việc duy trì quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Cụ thể, khoản 2 Điều 9 của Luật quy định: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Quy định này nhận được sự ủng hộ của đa số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Quốc hội
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp này, ngày 21.6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng Phiếu xin ý kiến (qua App), có 388 ĐBQH cho ý kiến. Trong đó có 293 đại biểu (chiếm 75,52% tổng số đại biểu cho ý kiến và 60,16% tổng số đại biểu Quốc hội) nhất trí "cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Chỉ có 95 đại biểu (24,48%) đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rằng quy định này không phải là nội dung mới, mà được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Việc duy trì quy định này nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng vi phạm và tai nạn giao thông.
Ngoài ra, Luật cũng quy định về việc sử dụng điểm của giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật giao thông. Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm, và số điểm bị trừ sẽ tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Để đảm bảo công bằng, Quốc hội cũng giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu. Điều này nhằm phân biệt giữa những trường hợp thực sự sử dụng rượu bia và những trường hợp có nồng độ cồn do bệnh lý.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định "trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi thì không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ".
Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng" khi chở trẻ em trên ô tô.
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật.
Với việc thông qua luật mới này, Quốc hội và Chính phủ hy vọng sẽ tiếp tục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn và đảm bảo an toàn trên đường.