Thương mại điện tử tăng cơ hội cho hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể
Cơ hội rộng mở
Từ tháng 7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã ban hành và triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) của các doanh nghiệp bưu chính. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, mở ra một kênh tiêu thụ sản phẩm mới cho các hộ sản xuất nông nghiệp thông qua các sàn TMĐT.
Bên cạnh đó, nền tảng số cũng cung cấp các thông tin thị trường hữu ích, dự báo nhu cầu, năng lực sản xuất, thông tin thời tiết, mùa vụ... cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Kéo theo việc thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Ảnh minh họa.
Theo Vụ trưởng Vụ Bưu chính Bộ TT&TT Lã Hoàng Trung, TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình kinh doanh, hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. TMĐT đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, các hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể đã chuyển mình trong nền kinh tế số, đang tăng trưởng nhanh về quy mô. Các doanh nghiệp, cá nhân đã tăng cường việc chuyển đổi số, xây dựng kênh phân phối mới trên nền tảng TMĐT; từng bước vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng của dịch bệnh.
TMĐT đã mở ra cơ hội cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam cũng như thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị. TMĐT không chỉ giúp những người dân khu vực nông thôn dễ dàng tiếp cận với các giao dịch điện tử, mua sắm mà có thể tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm của mình; biến các sản phẩm của mình thành hàng hóa được giao dịch trên sàn TMĐT... Người tiêu dùng cũng thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mức giá rẻ nhất, trong thời gian nhanh nhất thông qua TMĐT.
Điều này cho thấy, không chỉ ở khu vực thành thị, việc mua sắm trực tuyến cũng đã trở nên quen thuộc ở khu vực nông thôn. Hình ảnh nhân viên chuyển phát nhanh đến giao hàng tại nhà không còn xa lạ. Bưu chính trở thành bệ đỡ đối với TMĐT, logistics và dịch vụ xã hội mới với lợi thế về mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng khắp, gần gũi với các hộ gia đình và người dân. “Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong 5 - 7 năm qua luôn đạt mức 30%/năm, mở ra cơ hội rất lớn cho Bưu chính, là thời điểm để Bưu chính chuyển mình, mở rộng phạm vi, khái niệm, nội hàm cho mình” - Vụ trưởng Lã Hoàng Trung nhận định.
Còn nhiều thách thức
Cơ hội phát triển dù nhiều, song cũng không ít thách thức. Đầu tiên phải kể đến hạ tầng kỹ thuật, giữa khu vực nông thôn và thành thị luôn tồ tại một khoảng cách nhất định. Vụ trưởng Vụ Bưu chính Bộ TT&TT Lã Hoàng Trung cho rằng, ở nông thôn, chưa có hệ thống hạ tầng “gom phát” thống nhất, chuyên biệt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và TMĐT nông thôn… Điều này khiến cho việc thu gom, bảo quản, phân phối sản phẩm, hàng hóa nông sản bị ảnh hưởng, không tạo được sự tập trung, không tối ưu được nguồn lực, gây lãng phí.
Vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh các hoạt động gắn kết sản phẩm với khách hàng, tăng cường kết nối hệ thống thông tin điều phối, kết nối giữa cung - cầu. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng năng lực về trình độ công nghệ, kỹ năng kinh doanh trên môi trường số cho nhân viên chuyển phát cũng như các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Từ đó, tạo nên sự kết nối thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Lã Hoàng Trung lý giải, khi địa chỉ số, bản đồ số được “chuyển mạch” cho dòng dữ liệu hàng hóa qua hạ tầng mạng lưới viễn thông sẵn có, thì mỗi hộ dân với một máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh đều có thể trở thành một địa chỉ số được phục vụ bởi mạng lưới bưu chính. Và mọi khách hàng dù ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đều có thể truy cập vào mạng lưới phân phối hàng hóa để lựa chọn mua sắm và ra bưu điện gần nhất để trải nghiệm, nhận hàng. “Điểm mấu chốt là giúp người dân làm quen và sử dụng một giải pháp thanh toán tiện lợi như ví điện tử, Mobile Money và kỹ năng giao dịch qua kênh thương mại số” - ông Lã Hoàng Trung chia sẻ.
Một thách thức nữa cần tính đến là cần phải tư duy lại về hạ tầng logistics chuyên biệt cho nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là khâu bảo quản, lưu trữ, truy xuất nguồn gốc, quy trình vận chuyển, giao phát hàng hoá hướng tới khách hàng. Các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát phải ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tối ưu hoá theo thời gian thực về hành trình, quãng đường và số lượng chuyến xe di chuyển nhằm giảm thiểu các chi phí, đảm bảo chất lượng khi giao hàng cho khách hàng. Cũng cần lưu tâm phát triển chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi cung ứng xanh; ưu tiên tái sử dụng, phát triển bền vững.
Theo một khảo sát của Vụ Bưu chính, người dân ở nông thôn vẫn thích ra chợ, cửa hàng tạp hóa (mà người địa phương hoặc người thân đang kinh doanh) mua đồ hằng ngày. Cửa hàng tạp hóa vẫn là kênh mua sắm chính ở thành thị cũng như nông thôn, chiếm hơn 60% thị trường hàng tiêu dùng nhanh. Vấn đề ở đây là cần tuyên truyền, thay đổi nhận thức mới có thể xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ nông thôn mới thông minh.
Đó là hạt nhân cho chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn, là một mô hình làng xã thông minh dựa trên 5 trụ cột: thiết chế thông minh, hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, nguồn lực thông minh và dịch vụ thông minh. “Nhìn từ góc độ kinh tế số, đây là một mô hình kinh tế “hợp tác, chia sẻ thành viên” với các bên tham gia là chính quyền, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất…” - ông Lã Hoàng Trung cho biết.