Tìm giải pháp xử lý môi trường nông nghiệp nông thôn Việt Nam
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tìm giải pháp, ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam vào xử lý môi trường nông nghiệp nông thôn nói chung và ô nhiễm môi trường chăn nuôi nói riêng.
Tham dự hội thảo có nhiều đơn vị đến từ Nhật Bản: Hiệp hội Công nghệ BMW; Công ty SanBi Sangyo; Công ty CP Takumi Shudan Sola; Hội chuyên gia Việt – Nhật; Trường Đại học Hinoshima. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội; Hội Nông dân TP. Hà Nội; cùng đại diện nhiều hộ dân, chủ trang trại, HTX ở các huyện Ba Vì; Sóc Sơn; Quốc Oai; Thanh Oai; Thạch Thất; Ứng Hòa...
Chủ tịch HĐQT AnVietGroup Đào Ngọc Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh Sỹ Tùng.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch HĐQT AnVietGroup Đào Ngọc Nam cho biết, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Hà Nội đang ở giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng và thực hành. AnVietGroup coi việc tổ chức hội thảo là trách nhiệm, là xứ mệnh đối với nền nông nghiệp của Thủ đô. “Tâm nguyện của chúng tôi là hướng dẫn, đồng hành cùng bà con, để cùng xây dựng một cộng đồng sản xuất, cộng đồng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp sạch – xanh – phát triển bền vững” - ông Đào Ngọc Nam chia sẻ.
Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có trên 60 triệu tấn phân và hàng trăm triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra môi trường. Trong số đó mới chỉ khoảng trên 20% được xử lý tái sử dụng phần còn lại gần 80% chưa qua xử lý điều này vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời là nguồn gây phát sinh dịch bệnh mất an toàn thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận “Ứng dụng công nghệ vi sinh, khoáng và nước xử lý môi trường chăn nuôi”; “Giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn qua ứng dụng công nghệ vi sinh, khoáng và nước”; “Giải pháp làm sạch nước và sử dụng sinh khối”... của các doanh nghiệp công nghệ đến từ Nhật Bản. Các đại biểu là nông hộ, chủ trang trại, đại diện các HTX cũng chia sẻ những thắc mắc trong việc xử lý ô nhiễm từ trang trại nuôi gà, nuôi bò sữa, nuôi lợn... được chăn nuôi nhiều ở ngoại thành Hà Nội.
Tổng Giám đốc AnVietGroup Đỗ Hoàng Thạch cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nóng của ngành chăn nuôi; ngành này đang tạo sinh kế cho khoảng trên 10 triệu người dân và có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang có nhiều thách thức gây nhức nhối. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ rất lớn, xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ xử lý môi trường và thực hành nông nghiệp tuần hoàn.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều đưa ra nhận định, ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ sẽ tạo sinh kế cho hàng triệu người dân lao động. Tuy nhiên, khi ngành chăn nuôi càng phát triển thì hệ lụy đến môi trường ngày càng tăng nhanh. Các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ bài học từ Chính phủ Nhật Bản là quyết liệt trong việc ban hành các quy định, quy chuẩn để hướng dẫn và yêu cầu người dân phải tuân thủ, hướng đến bảo vệ môi trường chung và bền vững.
Ông Đào Ngọc Nam - Chủ tịch HĐQT AnVietGroup chia sẻ, công nghệ vi sinh, khoáng và nước (công nghệ BMW) xử lý ô nhiễm đã được phát triển mô phỏng theo hệ thống tuần hoàn của thế giới tự nhiên, tận dụng hiệu quả các chất hữu cơ từ đất, kích hoạt vi khuẩn có sẵn trong đất. Công nghệ BMW mượn sức mạnh của các vi sinh vật trong thế giới tự nhiên để biến nước thải hữu cơ (phân, nước tiểu) thành “nước tốt cho động vật” bằng cách sử dụng vi sinh và đá. “Nước tốt cho động vật” này sẽ giúp điều chỉnh đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giúp hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn tốt hơn, đồng thời giảm mùi hôi của phân; phân lỏng được tái tạo thành phân bón cho cây trồng hoặc được tái sử dụng làm nước rửa chuồng trại chăn nuôi.
Cũng theo ông Đào Ngọc Nam, công nghệ BMW đã được cấp bằng sáng chế và đang sử dụng rộng rãi trên thế giới, tiêu biểu là khu vực châu Á. Đây là giải pháp hiệu quả cho việc ứng dụng công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường và phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch - xanh - bền vững. Chi phí cho sử dụng công nghệ BMW xử lý ô nhiễm khá thấp, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Công nghệ BMW có thể áp dụng đối với lĩnh vực chăn nuôi quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ đơn giản nhất và chi phí cũng thấp nhất; đối với chăn nuôi quy mô trang trại lớn, phải đầu tư xây dựng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội khẳng định, vấn đề môi trường trong nông nghiệp ở Hà Nội đang có nhiều thách thức. Lãnh đạo TP. Hà Nội rất quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ và thực hành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn, làm sao để nông nghiệp, nông thôn, nông dân Hà Nội sớm đạt các tiêu chí: sáng – xanh – sạch – đẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Chí để góp phần cải thiện môi trường nông nghiệp nông thôn khu vực Hà Nội, trước hết cần nâng cao nhận thức của của cán bộ và người nông dân về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Các địa phương trên địa bàn Hà Nội cần khẩn trương tổ chức ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp, dễ dùng như BMW xử lý môi trường trong chăn nuôi, hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. “Các địa phương, chi cục, trung tâm thuộc ngành nông nghiệp của TP. Hà Nội cần rà soát ngay các bất cập, vướng mắc, để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý” - ông Nguyễn Văn Chí đề nghị.