Đây là công nghệ khó mà không nhiều nước trên thế giới có thể làm được. Bên trong ngòi nổ cơ điện tử “Made in Vietnam” vừa được lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng giới thiệu có đến 200 chi tiết, vật tư phức tạp mà Việt Nam lần đầu tiên đã làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất.
Những loại ngòi nổ cơ điện tử vừa được nghiên cứu thành công.
Lần đầu tiên làm chủ công nghệ chế tạo ngòi nổ cơ điện tử
Ngòi nổ cơ điện tử là đề tài khoa học cấp quốc gia, được Thiếu tướng Dương Văn Yên cùng các đồng đội nghiên cứu, mày mò trong nhiều năm và lần đầu tiên làm chủ công nghệ này, cả về vật tư sản xuất.
Trông thì nhỏ bé nhưng bên trong những ngòi nổ là khoảng 200 chi tiết siêu nhỏ. Người ta ví quy trình sản xuất mỗi ngòi nổ này tương đương với việc chế tạo một chiếc đồng hồ, nhưng còn khó hơn thế.
"Nó hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, thời gian ngắn, 1% hoặc 1 phần nghìn giây, chịu quá tải lớn, gấp hàng chục gia tốc trọng trường nên yêu cầu kỹ thuật đối với các chi tiết, cơ cấu trong ngòi nổ rất khắt khe", Thiếu tướng Dương Văn Yên, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng, cho biết.
Dự kiến cuối năm nay, nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, triển lãm quốc phòng với quy mô lớn sẽ được tổ chức. Triển lãm sẽ giới thiệu những vũ khí hiện đại nhất do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất. Niềm tự hào về khả năng làm chủ công nghệ của các nhà khoa học quân đội Việt Nam.
Với những bước đột phá trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là một số lĩnh vực mới như xe quân sự cùng một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, số lượng lớn các đề tài, gồm 3 chương trình công nghệ khoa học cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng, cùng các đề tài độc lập với trên 150 đề tài”
Thượng tá Đỗ Đình Lào, Trưởng phòng Khoa học quân sự, Cục Quản lý công nghệ, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng chia sẻ.
Có thể nói, hơn 400 loại ngòi nổ các thế hệ là niềm tự hào và đam mê của nhà khoa học quân đội. Cũng từ thành công của mình, Thiếu tướng Dương Văn Yên đã truyền lửa cho đồng đội.
Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng đã trực tiếp đi xuống nhà máy, hướng dẫn đề tài, gỡ khó trong nghiên cứu và giúp sức tạo những sáng kiến đột phá.Việc làm chủ công nghiệp quốc phòng là công việc rất khó vì các nước đều nắm giữ công nghệ nền, công nghệ lõi và giữ bí mật. Tuy nhiên với tinh thần vượt khó và sáng tạo, nhiều sản phẩm mới đã ra đời.