Bắc Ninh: Nông nghiệp gắn với công nghệ tạo diện mạo mới cho nông thôn
Thực tế những năm qua, việc gắn nông nghiệp với khoa học công nghệ đã trở thành bước đột phá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… với các giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp đang là định hướng đúng đối với Bắc Ninh.
Đến nay, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà kính, làm đất, tưới tự động dược áp dụng… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 8 vùng sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap; 5 vùng sản xuất lúa an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap tổng diện tích 110 ha; 28 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính với tổng diện tích khoảng 23 ha.
Thu nhập vùng hoa cây cảnh hơn 500 triệu đồng/năm (Tiên Du, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh)... Trong đó mô hình trồng rau tía tô trong nhà kính tại huyện Lương Tài (Công ty May mặc Hồ Gươm) xuất khẩu sang Nhật Bản một năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/ha.
Tỉnh cũng có 72 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 161,65 ha, gồm 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 132,52 ha; 24 cơ sở sản xuất rau, củ quả, diện tích 112,52 ha; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính, diện tích 29,13 ha…
Nhiều cơ sở đã ứng dụng công nghệ tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, quản lý đàn giống... Toàn tỉnh có 165 vùng nuôi cá trong ao đất (quy mô 10 ha trở lên) với tổng diện tích 3.229 ha, trong đó có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm...
Kết quả nói trên có được là do UBND tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng được triển khai nhiều tại tỉnh công nghiệp như Bắc Ninh.
Theo đó, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao được vay vốn với lãi suất ưu đãi; các nội dung thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng được các cấp chính quyền hỗ trợ tối đa…
Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đối với một địa phương có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông, nhưng lại có lợi thế về vị trí địa lý như tỉnh Bắc Ninh thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết.
Thực tế cho thấy, kết quả thực hiện chủ trương gắn nông nghiệp với khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Diện mạo nông nghiệp và nông thôn Bắc Ninh không ngừng khởi sắc.
Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, qua đó tạo ra những sản phẩm giá trị, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động trong khu vực nông nghiệp.
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vay vốn ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư, kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ của các mặt hàng nông sản; tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng.
Đồng thời, rà soát, bổ sung các chính sách để khuyến khích hỗ trợ các tổ chức cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các cơ sở tham gia các loại hình bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường gây ra, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất.