Chiến lược tăng trưởng mới 4.0: Động lực hồi sinh nền kinh tế Hàn Quốc
Vào thời điểm cuối năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch chi tiết phát triển kinh tế bao gồm 15 dự án, từ khám phá không gian đến công nghệ tự lái. Kế hoạch có tên gọi “Chiến lược tăng trưởng mới 4.0” phù hợp với nỗ lực tạo thêm các động cơ tăng trưởng cho nền kinh tế này.
Riêng trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ lập ra 20 đối sách liên quan để đẩy nhanh việc xúc tiến các kế hoạch cụ thể. Dự kiến ngay trong năm 2023, Hàn Quốc sẽ công bố trên 30 đối sách chính theo 15 dự án tăng trưởng mới bao gồm: số hóa đời sống thường ngày, hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược, du lịch tích hợp văn hóa Hàn Quốc (K-Culture)...
Định hướng công nghệ Hàn Quốc là thu hút các nhà đầu tư đến với các mục tiêu tăng trưởng công nghệ của tương lai.
Ông Choo Kyung-ho cho biết: “Gần đây, những thách thức đối với nền kinh tế Hàn Quốc đang gia tăng do sự suy giảm toàn diện của nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư chậm lại”.
Ông nhấn mạnh thêm rằng điều quan trọng đối với Hàn Quốc là tìm kiếm các khoản đầu tư chủ động vào “các lĩnh vực định hướng tương lai” để hồi sinh nền kinh tế.
Theo đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành thử nghiệm Phương tiện di chuyển trên không đô thị (UAM) với 6 tập đoàn trong nước để có thể thương mại hóa vào năm 2025. Hay Seoul sẽ huy động 500 tỷ won (385 triệu USD) trong nửa đầu năm nay với khu vực tư nhân để phát triển vaccine và thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Xét theo lĩnh vực, trong tháng Sáu tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố “Kế hoạch xúc tiến ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào đời sống thường ngày”. Kế hoạch nhằm sử dụng dịch vụ AI giải quyết các vấn đề dân sinh, đồng thời lập phương án hỗ trợ về mặt chế độ nhằm phát triển một dịch vụ “ChatGPT” phiên bản Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ xúc tiến sửa đổi luật để có thể sử dụng các tác phẩm sáng tạo và việc phân tích dữ liệu, nhằm phát triển AI siêu khổng lồ; hỗ trợ vận dụng mô hình AI siêu khổng lồ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các trường đại học; mở rộng phát triển giải pháp AI trong lĩnh vực y tế, đặt trọng tâm vào các liên danh thầu tư nhân.
Ở các lĩnh vực công nghiệp chiến lược, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung hỗ trợ phát triển công nghệ thế hệ mới và thực hiện các dự án đầu tư. Với lĩnh vực chip bán dẫn, Hàn Quốc sẽ xây dựng khu công nghiệp dựa trên vốn đầu tư quy mô lớn trong nước.
Liên quan đến lĩnh vực pin thứ cấp, chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét xây dựng dây chuyền sản xuất thế hệ mới trong nước. Đồng thời, Seoul sẽ đưa lĩnh vực màn hình vào ngành công nghiệp chiến lược quốc gia để ngành được hưởng ưu đãi thuế ở mức cao nhất.
Các công nghệ hàng đầu được chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Trong tháng 3/2023, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ lần lượt công bố chiến lược tăng cường hệ sinh thái chíp bán dẫn hệ thống và chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm gia tăng cách biệt ở lĩnh vực chip bán dẫn, pin thứ cấp và màn hình.
Ngoài ra, Hàn Quốc đã quyết định đẩy nhanh xây dựng đô thị du lịch nghỉ dưỡng phức hợp trên biển tương tự như thành phố Cancun của Mexico (Mê-hi-cô) từ nay cho tới năm 2030.
Nước này cũng sẽ lập kế hoạch phát triển vành đai nghỉ dưỡng K-Travel đồng thời lập nguồn vốn nội dung 410 tỷ won (316,5 triệu USD) ngay trong năm 2023 để thiết lập một “Disney của Hàn Quốc” ở lĩnh vực sáng tạo nội dung.
Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ lần lượt công bố các chiến lược khác trong năm nay, như: Chiến lược mở rộng xuất khẩu ngành công nghiệp nội dung trong tháng Ba; Chiến lược phát triển công nghệ năng lượng nguyên tử tương lai trong tháng Tư và Chiến lược xúc tiến cảng Busan và Jinhae mới vào tháng Sáu.