Chiến lược xe điện của châu Âu năm 2035 gặp thách thức lớn vì lithium
Nhu cầu lithium tăng gấp 5 lần vào 2035
Theo ước tính của công ty theo dõi chuỗi cung ứng pin cho xe điện Benchmark Mineral Intelligence, điều này đồng nghĩa nhu cầu về lithium tại châu Âu sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030 lên 550.000 tấn mỗi năm - cao hơn gấp đôi so với mức 200.000 tấn mà khu vực này có thể sản xuất.
Chiến lược chuyển đổi phương tiện di chuyển xanh cần lượng lithium rất lớn.
Sự sống còn của các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang bị đe dọa khi nguồn cung lithium dự kiến sẽ tiếp tục thiếu hụt, trong khi thị trường vốn đã khan nguồn cung và giá kim loại này cao ngất ngưởng ở mức 62.000 USD/tấn - gấp hơn 5 lần chi phí sản xuất trung bình dù đã giảm gần đây.
Nếu không có nguồn cung cấp trong nước, các tập đoàn ô tô của châu Âu có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đang nhanh chóng phát triển ngành ô tô điện và kiểm soát tới 60% quy trình xử lý lithium toàn cầu.
Vấn đề nguồn cung đã từng được nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới Albemarle nhấn mạnh. Công ty thậm chí phải hủy kế hoạch khai thác lithium ở châu Âu sau khi không tìm được địa điểm khả thi về mặt thương mại.
Giới chuyên gia cho biết ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ không thể điện khí hóa đội xe trong tương lai nếu không có nguồn cung lithium của riêng mình.
Mặc dù Albemarle - công ty cung cấp 1/5 sản lượng lithium của thế giới - có kế hoạch xây dựng một nhà máy tinh chế kim loại này ở châu Âu vào cuối thập kỷ này, nhưng các nhà sản xuất ô tô cần các giải pháp thay thế ngay bây giờ. Điều đó đã thúc đẩy một số tập đoàn ô tô hàng đầu châu Âu đánh cược vào một số dự án tại cùng châu lục, trong khi chúng không đảm bảo thành công vì các quy trình khai thác phức tạp.
Thị trường lithium chứa đựng nhiều rủi ro
Một trong số đó là dự án của công ty năng lượng Vulcan có trụ sở tại Perth, Australia. Công ty hứa hẹn sẽ xây dựng một nhà máy chiết xuất lithium từ nước muối tại Đức bằng cách sử dụng năng lượng địa nhiệt.
Opel Stellantis năm ngoái đã trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên đầu tư vào một công ty khai thác lithium khi trả 50 triệu euro để đổi lấy vốn chủ sở hữu trong Vulcan. Tương tự, Renault và Volkswagen cũng đã có các đơn đặt hàng ràng buộc đối với nguồn cung lithium dự kiến của Vulcan.
Nguồn cung lithium đang ngày càng khan hiếm tại châu Âu.
Một dự án rủi ro khác đến từ tập đoàn khai thác mỏ Imerys của Pháp. Imerys dự kiến sẽ khai thác lithium từ đá bên dưới mỏ cao lanh đã được các nhà sản xuất gốm sứ Pháp khai trương vào thế kỷ 19.
Vulcan hy vọng sẽ sản xuất 24.000 tấn lithium mỗi năm sau hai năm kể từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 2025, trong khi Imerys đang có kế hoạch bắt đầu sản xuất 34.000 tấn lithium dành cho pin xe điện mỗi năm kể từ năm 2028.
Kết hợp lại, lượng lithium trên đủ để sản xuất 1,2 triệu pin xe điện nhỏ mỗi năm. Nhưng mức trên không thể đáp ứng được nhu cầu dự kiến đối với ô tô điện, vốn có khả năng vượt doanh số bán hiện tại là 11,3 triệu ô tô mới được đăng ký tại châu Âu vào năm 2022, theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA).
Đáng chú ý hơn, những ước tính trên dựa trên giả định về sự thành công của Vulcan và Imerys. Ngoài ra, có một rủi ro khác là các dự án cuối cùng sẽ tốn kém hơn nhiều so với ước tính.
EU đã nhận thức được vấn đề từ trước. Khối đã đưa ra Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng, nhằm củng cố chuỗi cung ứng xe điện bằng cách tìm nguồn cung ứng cho các kim loại như lithium, cobalt và nickel tại chính các nước thành viên.
Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết cần có sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ để bắt đầu phát triển nguồn cung lithium tại địa phương. Châu Âu cũng cần giải quyết các rào cản quan liêu, chẳng hạn như những thủ tục xử lý giấy phép rườm rà, cũng như sự phản đối chính trị và địa phương đối với việc khai thác. Hiện một số công ty khai thác mỏ có thể mất nhiều năm mới nhận được giấy phép môi trường, sau khi họ đã trình tất cả các nghiên cứu liên quan.