Công ty Công nghệ cao G7 được rót thêm vốn gần 20 tỷ đồng

Công ty Công nghệ cao G7 được rót thêm vốn gần 20 tỷ đồng

Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Vinam (CTCP Vinam) vừa thông qua quyết định góp thêm 19.6 tỷ đồng vào công ty con của mình, công ty cổ phần Công nghệ cao G7. Theo đó, vốn góp của Vinam tại công ty con này sẽ tăng lên 68.6 tỷ đồng, chiếm 98% vốn điều lệ.

Công ty công nghệ cao G7 nhận thêm vốn

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Giám đốc của CTCP Vinam, ông Đặng Việt Thắng, được giao làm người đại diện phần vốn của công ty tại công ty con G7.

CTCP Công nghệ cao G7 được thành lập vào tháng 6 năm 2021 và có trụ sở tại Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó Vinam góp 49 tỷ đồng (98% vốn). Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thực phẩm khác chưa được phân phối vào đâu. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trần Tú.

Tại chiều ngược lại, HĐQT Vinam đã thống nhất chủ trương thoái toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty TNHH Vinam Vũng Áng với giá trị chuyển nhượng tối thiểu 20 tỷ đồng. Người nhận chuyển nhượng là Tổng Giám đốc Vinam Vũng Áng, ông Hoàng Hải Quân.

Công ty TNHH Vinam Vũng Áng do Vinam sở hữu 100% vốn và hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thịt và sản phẩm từ thịt. Được thành lập vào năm 2020 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, công ty có trụ sở tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Điều đáng chú ý là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH Vinam Vũng Áng thực hiện dự án Nhà máy Sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng trong năm 2021.

Về kết quả kinh doanh, CTCP Vinam vẫn chưa công bố Báo cáo tài chính quý 2 năm 2023. Tính đến thời điểm 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinam đạt gần 15 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế giảm tới 94%, chỉ còn 94 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu lãi 40 tỷ đồng đã đề ra.

Gần đây, Vinam cũng phải đối diện với việc bị UBCKNN xử phạt 150 triệu đồng do thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán và phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa được ĐHĐCĐ ủy quyền cho phép thực hiện.

Cụ thể, ngày 11/01/2021, Công ty CP Vinam (Công ty) hoàn thành đợt chào bán 8.250.000 cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ 115.499.940.000 đồng lên 197.999.940.000 đồng. Ngày 29/3/2021, Hội đồng Quản trị Công ty thông qua Nghị quyết số 2903/2021/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên (với tỷ lệ thay đổi là 44,44% số tiền thu được từ đợt chào bán) theo uỷ quyền của Đại hội đồng cổ đông và đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 về việc đã sử dụng hết 100% số tiền thu được từ đợt chào bán tại Nghị quyết số 25/2021/CVN ngày 01/7/2021.

Tuy nhiên, ngày 10/01/2022, Hội đồng quản trị Công ty tiếp tục thông qua Nghị quyết số 1001/2022/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên (với tỷ lệ thay đổi là 20,2% số tiền thu được từ đợt chào bán) nhưng không được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền.

Động thái gia tăng đầu tư của Vinam vào công ty con G7 đã diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của công ty đang tăng trở lại sau thời gian đi ngang và vẫn dưới sự cảnh báo và kiểm soát. Trong phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu của Vinam đã dừng ở mức 4,000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 33% so với đầu năm.

Công ty CP Vinam (địa chỉ: Tầng 1, Lô BT5 - Ô số 36, khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Việt Nam, được thành lập ngày 14/02/2007. Đến tháng 12/2009, Công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Vinam, với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là Xây dựng dân dụng, Bán buôn vật liệu xây dựng và tư vấn lập hồ sơ thầu và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tiền khả thi và báo cáo đầu tư các dự án.