'Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn'
Hội thảo khoa học với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn” được Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức ngày 26/12/2024 đã khắc họa rõ nét những khía cạnh văn hóa đặc biệt trong con người và sự nghiệp của Đại tướng.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham gia đông đảo của các tướng lĩnh quân đội, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử quân sự, văn hóa nghệ thuật... với 50 bài tham luận. Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, nghệ thuật quân sự.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013), nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII, là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn, kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của ông cha chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.
“Vừa là một nhà quân sự kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhân vật lịch sử, một nhà văn hóa lớn. Ở Đại tướng có cả hai phẩm cách: Người làm nên lịch sử và người viết sử. Cả hai phẩm cách ấy đã góp phần tạo nên những giá trị vô song của những gì gắn với tên tuổi của Đại tướng”, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định tại hội thảo.
Tư tưởng "lấy dân làm gốc", được coi là kim chỉ nam trong toàn bộ sự nghiệp quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông không chỉ xây dựng chiến lược quân sự mà còn khéo léo kết hợp giữa đấu tranh chính trị và ngoại giao để giải phóng dân tộc. Di sản và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vượt qua thời đại, đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế - quốc phòng toàn diện. Sau ngày thống nhất, ông đã có những tư tưởng chiến lược về biển, đảo, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tổ quốc.
Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một nhà giáo và nhà báo, do đó ông có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn” với sự tham gia đông đảo của các tướng lĩnh quân đội, nhà khoa học.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đề cao vai trò của giáo dục và tri thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông nhận thức rõ rằng việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ sống còn để tạo nền tảng phát triển đất nước bền vững. Các tác phẩm văn học và di sản văn hóa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như "Đường tới Điện Biên Phủ" không chỉ ghi lại lịch sử mà còn truyền tải những bài học quý báu về sự lãnh đạo, lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước.
Hội thảo cũng đề cập đến mối quan hệ đặc biệt của Đại tướng với giới văn nghệ sĩ. Ông là người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và họa sĩ qua những bài thơ, ca khúc và tác phẩm nghệ thuật về ông. Tên tuổi của Đại tướng đã đi vào văn hóa bác học cũng như văn hóa dân gian và trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và nhân cách cao đẹp. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là những lời ca ngợi mà còn là sự ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của ông cho dân tộc.
Nhận định về giá trị của di sản quân sự, văn hóa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại, Trung tướng Lê Phúc Nguyên (nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân) cho rằng, cần sớm lập bảo tàng xứng đáng với tầm vóc và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc thành lập bảo tàng Võ Nguyên Giáp và cùng với đó là một trung tâm nghiên cứu về con người, sự nghiệp, đặc biệt là tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là một “địa chỉ đỏ”, một thiết chế văn hóa và một trung tâm nghiên cứu để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế có thể đến để học tập và nghiên cứu.
Phát biểu tại hội thảo, Ths Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, nhấn mạnh: “Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giới thiệu những phát hiện mới, làm rõ hơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ dưới góc nhìn quân sự mà còn ở lĩnh vực văn hóa. Đồng thời thông qua các công trình được công bố giúp bạn đọc, nhất là giới trẻ, có điều kiện tiếp cận, tìm tòi để hiểu thêm về phẩm chất, đạo đức, tính cách, tài năng, công lao và cống hiến của Đại tướng cũng như những tình cảm của Nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế đối với ông”.