Đề xuất Hải Phòng là địa phương thử nghiệm xác định giá trị KTS/GRDP
Toàn cảnh Hội thảo khoa học thúc đẩy phát triển KTS tại TP. Hải Phòng.
Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương, các Sở, ban, ngành, đơn vị của thành phố, các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, thảo luận và đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế số hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố Hải Phòng.
Hội thảo đã nghe các nhà quản lý, các chuyên gia của Trung ương và thành phố tham luận, trao đổi với các nội dung liên quan đến: Chiến lược phát triển kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và gợi ý chính sách thúc đẩy kinh tế số thành phố Hải Phòng; Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030; Định hướng phát triển kinh tế số thành phố Hải Phòng; VNPT phát triển hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin – Thúc đẩy chuyển đổi số - Tham gia xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành Digital HUB khu vực; Thương mại điện tử thành phố Hải Phòng – Cách dữ liệu được sử dụng để tối ưu hoá các quy trình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng; Chuyển đổi số cảng biển Hải Phòng - Hiện thực hoá khát vọng vươn ra biển lớn thành trung tâm khu vực....
Ông Trần Minh Tuấn đề xuất Hải Phòng là địa phương thử nghiệm xác định giá trị KTS/GRDP
Đề xuất Hải Phòng thí điểm xác định giá trị KTS/GRDP
PGS. TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT cho biết Hải Phòng có nhiều lợi thế để phát triển KTS như có hàng trăm nghìn hộ gia đình có kết nối cáp quang, thuê bao điện thoại di động, có sự phổ cập của chữ ký số, tài khoản thanh toán… Hải Phòng xếp hạng 02/63 tỉnh thành về doanh thu phần cứng, 10/63 tỉnh/thành về doanh thu phần mềm, 3/63 tỉnh thành về doanh thu dịch vụ CNTT; xếp hạng 6/63 về doanh thu bán buôn, bán lẻ CNTT; 5/63 tỉnh, thành về doanh thu dịch vụ thông tin; xếp hạng 7/63 về doanh thu sản xuất phim, video, audio, phát thanh truyền hình trực tuyến… tạm ước tỷ trọng phần kinh tế số lõi ICT trong GRDP năm 2022 là 7,2%.
Cũng trong sự kiện, Ông Trần Minh Tuấn đề xuất Hải Phòng là địa phương thử nghiệm xác định giá trị KTS/GRDP. Theo đó, Hải Phòng cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho người dân, cung cấp chữ ký số công cộng, thúc đẩy dịch vụ số (sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công toàn trình...), hub dữ liệu, trung tâm tài chính quốc tế.
Hải Phòng cũng cần từng bước phát triển 3 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển, logistics; thương mại và du lịch. Hải Phòng nên lựa chọn, thí điểm triển khai mô hình CĐS.
Để hiểu rõ hơn về Kinh tế số, ông Tuấn đã trình bày những điểm chính để chia sẻ thông tin một cách cụ thể và dễ hiểu. Kinh tế số bao gồm về nền tảng như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn. Ứng dụng điển hình tại Hải Phòng sẽ chủ yếu đi vào những lĩnh vực, ngành sau đây: Y tế số các hoạt động trợ giúp xã hội; Giáo dục và đào tạo; Nông nghiệp; Vận tải kho bãi; Công nghiệp, chế biến chế tạo; Tài chính ngân hàng bảo hiểm; Hoạt động chuyên môn KHCN.
Dịch vụ số là dịch vụ toàn số và mô hình kinh doanh chỉ trên môi trường số, ứng dụng hoàn toàn ICT (ví dụ như các dịch vụ tìm kiếm...).
Dịch vụ nền tảng là các mô hình kinh doanh số sử dụng nền tảng số (VD. Airbnb...) ngoại trừ nền tảng truyền thông xã hội (social media platforms).
Kinh tế số các ngành, lĩnh vực là chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực dẫn đến tăng năng suất lao động (hiệu ứng lan tỏa - spillover effect).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Chính phủ số thì lấy cơ quan nhà nước (CQNN) làm chủ thể, KTS thì lấy DN làm chủ thể và xã hội số lấy người dân làm chủ thể.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ và nhấn mạnh một nội dung trọng tâm về chuyển đổi số (CĐS) nói chung, phát triển KTS quốc gia nói riêng và phát triển KTS trên địa bàn Hải Phòng.
Thứ trưởng cho biết Chương trình CĐS quốc gia đã xác định 3 trụ cột chính của CĐS quốc gia gồm phát triển chính phủ số để cho người dân tin theo Đảng, tin theo chính quyền nhiều hơn; phát triển KTS để người dân giàu có hơn và phát triển xã hội số để người dân hạnh phúc hơn.
Thứ trưởng nhấn mạnh 3 trụ cột đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. “Chính phủ số thì lấy cơ quan nhà nước (CQNN) làm chủ thể, KTS thì lấy DN làm chủ thể và xã hội số lấy người dân làm chủ thể”.
Để phát triển KTS, nếu lấy DN làm chủ thể, Thứ trưởng nhấn mạnh có hai yếu tố đầu vào cơ bản là dữ liệu số và công nghệ. Dữ liệu tức là các DN sử dụng dữ liệu để phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) giống như sử dụng điện, nước, nhân công, đầu tư vốn. Dữ liệu thì mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho các sản phẩm kinh tế số.
Yếu tố đầu vào thứ hai của KTS là công nghệ. Công nghệ được sử dụng như là một dịch vụ, ví dụ như AI như là một dịch vụ mà gần đây công chúng đã được nghe nhiều về chatGPT. “Đây chỉ là một minh chứng của việc sử dụng công nghệ đầu vào như là một dịch vụ để gia tăng giá trị trong các khâu sản xuất”.
Vì vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh một sự khác biệt căn bản của DN trong nền KTS so với các DN truyền thống là bên cạnh các yếu tố đầu vào truyền thống thì nay dữ liệu, công nghệ số, công nghệ như là một dịch vụ trở thành một yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất giống như điện, nước.
Điểm thứ ba, Thứ trưởng nhấn mạnh để phát triển KTS của một địa phương thì thúc đẩy mỗi người dân trở thành một doanh nhân, mỗi hộ gia đình là một DN số và biến mọi DN trên địa bàn thành một DN số. Ví dụ như bệnh bệnh viện trở thành bệnh viện số, trường học trở thành trường học số. Chúng ta triển khai các hoạt động nghiệp vụ SXKD trên môi trường số.
Theo Thứ trưởng, đặc điểm của KTS là tính cá thể hoá và tính linh hoạt. Khác với kinh tế truyền thống, trong môi trường số cơ bản là không có rào cản cho việc các DN, các hộ kinh doanh tiếp cận thị trường. Một hộ kinh doanh nhỏ lẻ trước đây sẽ không thể nào có doanh thu lớn như một tổ hợp ăn uống nhưng trong môi trường công nghệ số ngày nay một tổ hợp gia đình kinh doanh không có diện tích, không có mặt phố vẫn có thể đạt hiệu suất như một tổ hợp ăn uống lớn, thông qua việc tiếp cận và giao hàng cho khách hàng trên môi trường số.
Điểm thứ tư, Thứ trưởng nhấn mạnh phát triển KTS thì chú trọng làm cho người dân, hộ dân của thành phố giàu có hơn. Cùng với đó phải có biện pháp đo lường để đánh giá tác động của chính sách, nỗ lực của chính quyền đối với sự phát triển. Tiếp cận đo lường truyền thống là đo theo cách GRDP hàng năm và thường trễ 1 quý của năm sau mới có chỉ số phát triển của năm trước. Như vậy thì không đáp ứng được yêu cầu về tính kịp thời khi mà chúng ta muốn đo lường những chính sách tác động đến KTS. Vì vậy, bắt buộc phải có có những cách tiếp cận mới, khác nhưng lại phải trên cơ sở khoa học.
Thứ trưởng cũng nhận định KTS là phạm trù mới. Nếu nói chính phủ số thì có nhiều mô hình điển hình như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế nhưng nói về mô hình điển hình về KTS thì 63 tỉnh, thành phố chưa có mô hình điển hình để các tỉnh, thành phố khác tham chiếu.
Theo đó, Thứ trưởng kỳ vọng năm 2023 là một năm thực hiện đầy đủ chiến lược KTS quốc gia và mỗi địa phương có chính sách tiên phong để năm 2023 có mô hình KTS tham khảo cho các địa phương khác. Một số địa phương năm nay muốn tiên phong thúc đẩy KTS như Hải Phòng, Nam Định.