Kiến nghị chưa nên đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt
Đó là đề xuất được nhiều đại biểu tán thành tại cuộc tọa đàm “Cung cấp thông tin về ngành Nước giải khát và dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt” được Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức chiều 4/4/2025.
Kỳ họp thứ 9 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi) là nội dung “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB” với thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì và phù hợp với thông lệ quốc tế.
![]() |
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam |
Ngoài đề nghị cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng việc bổ sung mặt hàng nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm còn đề nghị, nếu Quốc hội nhận thấy cần phải bổ sung mặt hàng này nhằm định hướng người tiêu dùng, thì kiến nghị xem xét một lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị về tài chính hoặc điều chỉnh công thức sản phẩm.
Cụ thể đề nghị Quốc hội xem xét chưa thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này trong hai năm đầu kể từ khi Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực và áp dụng mức thuế suất không quá 5% trong hai năm tiếp theo.
![]() |
TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) |
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu ý kiến, cần tạo điều kiện cho DN để phát triển, vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
“Kiến nghị chưa nên đưa NGK có đường vào thuế TTĐB. Trong trường hợp Quốc hội thấy cần thiết thì cần có lộ trình hợp lý. Cụ thể là áp thuế sau 2 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, chỉ nên áp thuế 5%”, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đăng Sinh (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - VATAP) chia sẻ lo ngại nếu tăng thuế quá cao và sốc dẫn đến tăng giá sản phẩm, có thể dẫn tới việc gia tăng chuyển dịch sang tiêu dùng các mặt hàng bất hợp pháp (hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... và cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa nên đánh thuế NGK có đường. Nếu mà đánh thuế đánh thuế thì cần áp thuế tất cả các sản phẩm có đường mới công bằng.
![]() |
Ông Nguyễn Đăng Sinh (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - VATAP) |
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), đề xuất áp thuế đối với NGK có đường trước đây đã từng được đưa vào dự thảo khi bà Cúc còn làm việc ở Bộ Tài chính. Tuy nhiên cơ sở của việc áp thuế vẫn chưa rõ ràng, chưa thuyết phục nên đã bỏ ra. Nay đưa vào thì cần tính toán cho thật kỹ lưỡng. Nếu chưa kỹ, có đầy đủ các cơ sở thuyết phục thì cần dừng lại, nghiên cứu tiếp cho đầy đủ. Việc áp thuế cần hài hòa các mục tiêu. Sức khỏe cộng đồng cần được bảo vệ nhưng cũng cần lưu ý những tác động đến các doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng liên quan khác.
Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu và Nước giải khát Việt Nam cho biết, khi nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dự thảo Luật, đặc biệt là phần thuyết minh đề xuất, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này.
Ý kiến của nhiều số chuyên gia và các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc áp thuế TTĐB như tại dự thảo Luật chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về “ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”, chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) |
Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, thời gian để hoàn thiện, chỉnh lý Dự thảo luật thuế TTĐB (sửa đổi) không còn nhiều. Trong bối cảnh Việt Nam bước sang “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng, ít nhất 8% trở lên trong năm 2025, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, các doanh nghiệp với vai trò là động lực quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, rất cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, từ đó tạo nguồn thu ngân sách ổn định và lâu dài.
Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành NGK mong đợi các nhà hoạch định chính sách xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng NGK có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong trường hợp, Chính phủ đã có đủ cơ sở để áp thuế mặt hàng này thì cần thận trọng cân nhắc một lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị về tài chính hoặc điều chỉnh công thức sản phẩm, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Có thể bạn quan tâm


Mỹ tuyên bố áp thuế 46%, Thủ tướng yêu cầu lập ngay tổ phản ứng nhanh
Cuộc sống số
Chính sách thuế quan mới của Trump với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ cụ thể ra sao?
Thị trường
Các nhà sản xuất đồ gia dụng 'khủng hoảng' vì thuế quan của Trump
Kinh tế số