Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ ra sao?
Hình minh họa. Ảnh Getty.
"Dù không mấy vui vẻ về dự luật này, Trump khó có thể hủy bỏ nó", Paul Triolo, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Trung Quốc và chính sách công nghệ tại Albright Stonebridge nhận định. Ông cho rằng sự ủng hộ rộng rãi cho việc đưa sản xuất chip về Mỹ là yếu tố then chốt khiến đạo luật này khó bị xóa sổ.
Được ký thành luật vào tháng 8/2022, Đạo luật CHIPS đã thu hút những "ông lớn" ngành chip châu Á đổ bộ vào thị trường Mỹ. TSMC và Samsung lần lượt nhận được khoản tài trợ 6,6 tỷ USD và 6,4 tỷ USD, trong khi Intel - nhà sản xuất chip nội địa - được hỗ trợ tới 8,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Trump từng chỉ trích gay gắt đạo luật này trong cuộc phỏng vấn với Joe Rogan: "Chúng tôi đã đưa ra hàng tỷ đô la để các công ty giàu có đến vay tiền và xây dựng nhà máy, nhưng họ sẽ không mang lại những công việc tốt". Thay vào đó, ông ủng hộ chính sách tăng thuế quan để thu hút các nhà sản xuất.
Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, dự đoán chính quyền Trump có thể sẽ điều chỉnh cách phân bổ ngân sách và tăng cường áp dụng thuế quan, nhưng không hoàn toàn từ bỏ chính sách này. "Điều này tương tự như cách Biden vẫn giữ thuế quan của Trump với Trung Quốc khi nhậm chức, dù đã chuyển sang tập trung vào chính sách công nghiệp", ông nói.
Với vai trò quan trọng trong cuộc đua công nghệ Mỹ-Trung, Đạo luật CHIPS nhiều khả năng sẽ được duy trì, dù có thể được điều chỉnh để phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump. Điều này hứa hẹn mang lại sự ổn định cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ trong những năm tới.