Nhiều thách thức trong tự chủ và đổi mới ở các đài phát thanh truyền hình

Nhiều thách thức trong tự chủ và đổi mới ở các đài phát thanh truyền hình

Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã đặt ra yêu cầu, đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình (PTTH) tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên; nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu.

Thực trạng tự chủ tại các đài PTTH

Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Các đài PTTH là đối tượng được áp dụng của Nghị định. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1265/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó đã cụ thể hoá nội hàm dịch vụ báo chí, truyền thông và mức độ sử dụng ngân sách nhà nước. Trước đó, năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT  ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình. Trong 2 năm 2020 và 2021, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh; Quyết định số 1265/QĐ-BTTTT công bố tiêu chí chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối với hạng mục sản xuất, truyền dẫn, phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình.

Ảnh minh hoạ.

Năm 2021, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định quy định có 4 nhóm đơn vị tự chủ, trong đó các đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 thuộc đối tượng tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo tinh thần Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt, trong năm 2021, nhằm đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện hệ thống báo chí cả nước bằng tăng sản lượng đặt hàng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của cơ quan báo chí giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Thủ tướng chỉ thỉ các cơ quan chủ quản báo chí “Tạo điền kiện cho cơ quan chí trực thuộc nâng cao chất lượng thông tin; Hàng năm tăng khoảng 20% số lượng tin bàì, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình sản xuất mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu so với năm 2020”.

Trên cơ sở những văn bản quy phạm đã ban hành, các đài PTTH đã chủ động đổi mới, thực hiện tự chủ tài chính. Tính đến hết năm 2022, có 22 đài PTTH tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên; một số đài tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên. Có 17/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) và đơn giá sản xuất chương trình phát thanh, chương trình truyền hình phục vụ cơ chế đặt hàng tuyên truyền cho các đài; 10/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt định mức KTKT nhưng chưa phê duyệt đơn giá sản xuất chương trình phát thanh, chương trình truyền hình. Các cơ quan chủ quản ở địa phương đã từng bước chuyển đổi việc cấp ngân sách từ cơ chế giao dự toán kinh phí sang đặt hàng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Dù vây, trong quá trình triển khai, do vẫn còn một số vướng mắc, kéo theo đa số các đài chưa thực hiện được cơ chế đặt hàng để hình thành phương án tự chủ chi thường xuyên. Hiện trạng này phản ánh thực tế mục tiêu, định hướng tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên đối với khối đài PTTH chưa có kết quả như định hướng của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Còn nhiều thách thức…

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), để thực hiện tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên, bên cạnh những khó khăn về áp dụng cơ chế đặt hàng, hỗ trợ từ nhà nước, các đài đang gặp thách thức lớn khi nguồn thu quảng cáo, tài trợ sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, xu thế nghe, xem của khán, thính giả có những chuyển biến quan trọng, từ phương thức truyền thống sang các nền tảng số trên internet. Do đó, tạo nên thách thức to lớn, đòi hỏi các đài phải tự làm mới tổ chức, để duy trì và phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, nguồn nhân lực bị giới hạn khi trong năm 2022, Bộ Chính trị có kết luận số 28-KL/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo kết luận, giai đoạn 2022-2026 cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Cũng trong năm 2022, Bộ Chính trị có kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Theo kết luận, toàn hệ thống chính trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021.

Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số1046/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW, Kết luận số 40-KL/TW  của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoan 2022-2026. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 111/2022/NĐCP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ Nội vụ cũng ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Dự báo trong năm 2023 sẽ tiếp tục có những văn bản quy phạm được ban hành để thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại các Kết luận về quản lý biên chế theo hướng tinh giản về số lượng, đổi mới về tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tìm giải pháp hợp lý

Trước diễn biến những thách thức đặt ra về nguồn thu, nguồn nhân lực, để thích ứng và phát triển lĩnh vực PTTH trong tình hình hiện nay, theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cần đổi mới phương thức, biện pháp hành động một cách toàn diện, đồng bộ từ các cấp, các ngành và từ chính các đài.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng các Bộ, ngành Trung ương cần lấy trách nhiệm dẫn dắt, coi định hướng là nhiệm vụ hàng đầu, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chủ quản và các đài để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc; đảm bảo các quy định, quy phạm đã ban hành đi vào thực tiễn. Các Bộ, ngành Trung ương cần liên tục theo dõi, rà soát, hướng dẫn áp dụng các quy định phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, tổ chức, cơ quan. Bên cạnh đó, bổ sung các biện pháp, quy định pháp luật để kịp thời ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực đến nhiệm vụ tuyên truyền và nguồn thu của các đài.

Đặc biệt, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng một trong những điểm đột phá để các đài sớm tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên là cơ quan chủ quản, UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động xử lý, quyết định các vấn đề theo thẩm quyền đã được phân cấp tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là chủ động phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất chương trình; phê duyệt đơn giá sản xuất chương trình; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg  năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh trách nhiệm của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các cơ quan chủ quản, các đài PTTH cũng cần chủ động, sớm đổi mới quản trị cơ quan về con người, tài chính, tài sản, đoàn thể… bằng các giải pháp số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí. Tăng cường chuyển đổi số, đổi mới hoạt động sản xuất chương trình bằng việc áp dụng công nghệ số; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn để có thể sáng tạo ra các nội dung phù hợp đối tượng và xu thế nghe, xem hiện nay. Kịp thời phân phối, truyền dẫn nội dung đến khán, thính giả trên các nền tảng số bên cạnh phương thức truyền thống để không bỏ lỡ đối tượng khán, thính giả là công chúng số.

Mặt khác, các đài cũng cần cân đối các nguồn thu phù hợp đặc điểm tình hình để sớm đạt mục tiêu tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên. Chủ động tham mưu, đề xuất cơ quan chủ quản để dần tăng tỷ trọng nguồn thu từ đặt hàng tuyên truyền so với nguồn thu từ giao dự toán thực hiện nhiệm vụ.