Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, việc xây dựng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay đang là xu thế tất yếu.
Diễn đàn tập trung thảo luận về các vấn đề, như: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo thuận lợi cho phát triển chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế của từng địa phương; Tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt - Thực trạng và giải pháp; Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản; Phát triển thị trường nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã, tiếp tục hỗ trợ chương trình khởi nghiệp hợp tác xã; tiếp cận vay vốn tín dụng... Về phía các doanh nghiệp nông nghiệp chủ động chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Toàn cảnh diễn đàn.
Hiện nay, cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số HTX. Việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm đáp ứng thị trường quốc tế đang tiếp tục được mở rộng với Việt Nam.
Trong các giải pháp phá triển chuỗi giá trị nông sản, bền vững và hiệu quả không thể thiếu vai trò nòng cốt của các HTX nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng nông sản xanh của thị trường trong và ngoài nước, việc xanh hoá, nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, do đó các chỉ thể trong chuỗi này phải hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn mới điều chỉnh hoạt động cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất.
Đề cập đến hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia chia sẻ, hiện quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023 thì quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng còn rất nhỏ. Năm 2023, các ngân hàng thương mại tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%. Các đơn vị cung cấp chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều.
Sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) có nhiều rào cản đối với người nông dân khi tiếp cận. Đó là các ngân hàng thương mại thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, trong khi các sản phẩm tài trợ thương mại gồm tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, tài trợ lô hàng… còn ít được áp dụng do tính chất rủi ro.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, đối với cơ quan quản lý, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới. Tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Về thị trường, cơ quan nhà nước cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới; quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng EU. UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trên đất, đặc biệt là tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi…