Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
Báo cáo của Quốc hội cho thấy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 2.216 kiến nghị của cử tri. Đến nay, đã giải quyết, trả lời được 2.210/2.216 kiến nghị, đạt 99,7%. Đây là tỷ lệ giải quyết, trả lời cử tri cao, thể hiện sự tích cực của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề nhiều cử tri cả nước quan tâm kiến nghị.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng thời đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề cử tri kiến nghị nhưng chưa giải quyết trả lời, hoặc chậm trả lời, trả lời không rõ trách nhiệm…; những kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo số 832 cũng như những nội dung khác có liên quan, thông qua tiếp xúc cử tri, làm việc với địa phương, các bộ ngành mà đại biểu Quốc hội tiếp nhận được.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã kiến nghị những giải pháp nhằm giúp Quốc hội giám sát tốt hơn việc giải quyết kiến nghị của cử tri; cũng như đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục giải quyết những kiến nghị còn tồn đọng.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Quốc hội, UBTVQH tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó. Cùng với đó, cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển KTXH. Theo đại biểu Nguyễn Tạo, để xử lý chồng chéo quy hoạch, vấn đề quan trọng nhất là cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện và sự chủ động trong quản lý, thực hiện quy hoạch để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) nêu rõ, báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 có nêu: Chính phủ, các Bộ, ngành vẫn còn 5 kiến nghị chưa giải quyết, trả lời và vẫn chưa nêu rõ lý do chưa trả lời, giải quyết để cử tri biết, theo dõi. Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, hiện nay một số Công ty ở Bình Thuận cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm… trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, chưa được giải quyết. Tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết nhưng cho đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Bộ Y tế sớm tham mưu cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản giải quyết vấn đề trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị sớm ban hành quy chuẩn phù hợp hơn trong đánh giá tác động môi trường đối với nuôi trồng thủy sản. Việc sử dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp để đánh giá tác động môi trường đối với các vùng nuôi trồng thủy sản là chưa phù hợp, dẫn đến những bất cập trong quá trình quản lý; đồng thời gây khó khăn, lãng phí cho doanh nghiệp cũng như xã hội.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho biết, cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức khoán bảo vệ rừng và khoán khoanh nuôi tái sinh rừng trồng theo nghị định số 75/2015/NĐ-CP từ 400 nghìn đồng lên ít nhất 1 triệu đồng/ha/năm để đảm bảo sinh kế của người dân. Vì diện tích rừng được giao bảo vệ chủ yếu nằm ở các địa bàn khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; diện tích đất để tăng gia sản xuất còn rất ít, trong khi mức hỗ trợ bảo vệ rừng không đảm bảo tối thiểu đời sống người dân, có thể dẫn đến tình trạng phá rừng phòng hộ rất khó kiểm soát.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, có những kiến nghị của cử tri gửi đến các Bộ, ngành, đã được các Bộ ngành tiếp thu, xem xét giải quyết nhưng trong thời gian dài vẫn chưa có kết quả, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình, ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo giải quyết dứt điểm, thấu đáo các kiến nghị của cử tri, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua địa bàn Tây Sơn, tỉnh Bình Định; triển khai thực hiện làm đường gom dân sinh, xây dựng hệ thống thoát nước để đảm bảo người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội có nhiều hình thức hơn nữa trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành Trung ương; đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng tiếp thu chung chung, không có giải pháp và hướng giải quyết cụ thể; nên công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định; cần có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri riêng cho mỗi tỉnh, thành phố, không nên trả lời chung tại một văn bản, gây khó khăn trong quá trình theo dõi, cập nhật, thống kê thông tin đến cử tri.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần tiếp tục quan tâm cải cách hành chính trong lĩnh vực tín dụng, xây dựng các tiêu chí, điều kiện cho vay đối với các chính sách liên quan thuận lợi hơn so với điều kiện cho vay thông thường. Từ đó giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận và xem đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, cử tri có hai kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh để hoang mang cho đối tượng thụ hưởng, không yên tâm công tác. Thêm nữa, cần tính toán kế toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, chất lượng trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri là vấn đề cần được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng hơn. Những vấn đề mà cử tri nêu ra cần được nghiên cứu xem xét, xử lý đến cùng, không nên để đơn thư của cử tri gửi đến cơ quan chức năng một cách kéo dài. Do đó, UBTVQH có thể đưa ra quy chế ngoài các quy định trong luật để phối hợp giữa các bên trong việc đẩy nhanh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.