Tận dụng công nghệ để giám sát, phân tích dữ liệu giao dịch trực tuyến, phát hiện hành vi trốn thuế
Hình minh họa.
Phát biểu tại hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế tổ chức tại Hà Nội ngày 13/5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, cho rằng việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế.
Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Nắm công nghệ và nguồn thu phát giác rủi ro
Cũng theo đánh giá của TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
Về thị trường thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng 35%, cả nước có khoảng 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, ước tính đến năm 2025 cả nước sẽ có hơn 70 triệu người. Thanh toán trực tuyến phổ biến rộng rãi, đạt 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt năm 2023, tăng mạnh 50% so với năm 2022.
Nền kinh tế số mang đến nhiều thách thức mới cho công tác quản lý thuế, do sự phức tạp và tính phi biên giới của các hoạt động kinh tế. Điều đó gây ra thách thức trong quản lý thuế như cần chuyển đổi số toàn diện ngành thuế; kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử.
"Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, cần kết hợp nhiều giải pháp bao gồm hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro", ông Quỳnh nhận định.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), cho rằng chất lượng của công tác quản lý thuế của cơ quan thuế tỷ lệ thuận với ý thức tuân thủ của người nộp thuế.
"Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ người nộp thuế càng quan trọng. Do đó, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được tăng cường và thực hiện quyết liệt", bà Cúc nhấn mạnh.
Người nộp thuế tuân thủ cao có thể được hoàn thuế trước, giãn thời gian thanh tra kiểm tra. Đối với các đơn vị không tuân thủ, áp dụng các biện pháp công khai thông tin, tăng cường thanh tra kiểm tra… Cần công khai và xử lý khen thưởng rõ ràng, khuyến khích tăng tự nguyện tuân thủ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết.
Bên cạnh việc thực hiện điện tử hóa trong quy trình quản lý thuế rủi ro, bà Cúc cho rằng việc nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho người tuân thủ cao và kết hợp thêm một số biện pháp khuyến khích khác rất cần thiết.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dựa trên khảo sát của một số tổ chức uy tín, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Bởi phương pháp này sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ luật thuế hiệu quả hơn và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công bằng thuế…
Để cải thiện việc quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro tại Việt Nam, lãnh đạo VCCI cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro theo hướng cập nhật, bổ sung các tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội, diễn biến vi phạm luật thuế. Cùng với đó, áp dụng các phương pháp đánh giá rủi ro tiên tiến, khoa học hơn như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...
Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế về quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh về việc tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu. Theo đó, ngành thuế có thể tận dụng dữ liệu từ các nguồn khác nhau như: cơ quan nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, mạng xã hội... để đánh giá rủi ro thuế và xác định các đối tượng có khả năng vi phạm luật thuế.
Cùng với đó, phát triển các công cụ phân tích dữ liệu hiệu quả để hỗ trợ công tác quản lý thuế, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa các quy trình thuế và phát hiện các hành vi vi phạm thuế.
Chẳng hạn, Hoa Kỳ sử dụng dữ liệu từ các thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ để theo dõi doanh thu của các doanh nghiệp, hay Hàn Quốc sử dụng dữ liệu từ mạng xã hội để xác định các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngành thuế có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận thuế, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với các đối tượng có rủi ro cao vi phạm luật thuế. Áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với hành vi gian lận thuế.
Chẳng hạn, Liên minh châu Âu áp dụng Chỉ thị về chống gian lận thuế (ATAD), yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp để chống gian lận thuế trong các lĩnh vực như: chuyển giá, trốn thuế doanh nghiệp, trốn thuế cá nhân... Nhật Bản áp dụng Luật chống gian lận thuế, quy định các biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với hành vi gian lận thuế.
Ngành thuế trước áp lực kinh tế số tăng trưởng như vũ bão
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đang quản lý hàng triệu người nộp thuế. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp; hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế); 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân).
Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, để bắt kịp với xu thế này và trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung, ngành thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ pháp luật thuế.
Điểm lại sự chuyển mình của ngành thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung.
Đồng thời, thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hoá đơn điện tử, xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn, bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cùng với đó, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ...
Đáng chú ý, kho dữ liệu của ngành thuế ngày càng lớn và nhiều dữ liệu đắt giá. Ngành thuế đã thực hiện quản lý dữ liệu theo cơ chế quản lý tập trung, dữ liệu về thuế được chuyển từ các địa phương về tập trung tại Tổng cục Thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế còn thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin trong ngành như: dữ liệu về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; thông tin về các hồ sơ khai thuế; nộp thuế; nợ thuế; miễn giảm thuế; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế; hoàn thuế; đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử...
Về xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế thời gian qua được xây dựng, ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước hiện hành.
Thông tin về công tác quản lý tuân thủ thuế, bà Ngô Thị Thùy Linh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), cho biết ngành thuế đã xây dựng và ban hành các Bộ chỉ số tiêu chí.
Một là, Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
Hai là, Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro lựa chọn hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
Ba là, Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ.
Bốn là, Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.
Việc xây dựng quy trình giúp chuẩn hóa các nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất, khách quan trong công tác phân tích rủi ro, phân loại rủi ro, từ đó đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế để đưa ra các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Về cơ bản, cơ quan thuế thực hiện phân nhóm người nộp thuế. Đối với nhóm người nộp thuế tự nguyện tuân thủ (rủi ro thấp) sẽ được ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… Với nhóm người nộp thuế luôn cố gắng tuân thủ (rủi ro trung bình) sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.
"Những nhóm người nộp thuế luôn có xu hướng tránh né, không tuân thủ khi có cơ hội (rủi ro cao) thì cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ. Những nhóm người nộp thuế hoàn toàn không tuân thủ (rủi ro rất cao) thì phải có các chế tài xử lý phù hợp", bà Linh nêu rõ.