Tàu đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ gặp trục trặc sau khi rời tên lửa
Tàu Peregrine trước khi được phóng - Ảnh: BBC.
Theo thông báo của Astrobotic Technology ngày 8-1 cho biết, tàu Peregrine đã tách thành công khỏi tên lửa Vulcan mới của United Launch Alliance tại căn cứ không gian Cape Canaveral. Tuy tất cả các hệ thống đều hoạt động bình thường và tàu đã chuyển sang trạng thái hoạt động hoàn toàn, nhưng "thật không may, một sự bất thường đã xảy ra khiến tàu không thể đạt được hướng ổn định về Mặt Trời".
Astrobotic Technology đang tiến hành phân tích dữ liệu và xử lý sự cố. Tấm pin Mặt Trời ở trên cùng của tàu Peregrine thường được hướng về phía Mặt Trời khi ở trên quỹ đạo để tối ưu hóa năng lượng. Dù vậy, vấn đề này có thể tạo ra thách thức cho khả năng cung cấp năng lượng cho tàu khi hạ xuống bề mặt Mặt Trăng.
Hiện tại, tàu Peregrine vẫn đang trên đường tới Mặt Trăng và dự kiến sẽ giữ nguyên quỹ đạo của mình cho đến khi hạ cánh xuống khu vực Sinus Viscositatis vào ngày 23-2. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ đổ bộ Mặt Trăng kể từ năm 1972, và tàu Peregrine có cơ hội trở thành tàu tư nhân đầu tiên hạ cánh thành công trên Mặt Trăng.
Trong suốt lịch sử, Mặt Trăng luôn là đối tượng kích thích trí tưởng tượng của con người. Cuộc đua chinh phục và khám phá những bí ẩn của Mặt Trăng đang được đẩy mạnh trở lại. Ấn Độ - một cường quốc vũ trụ đang lên vừa ghi dấu ấn lịch sử khi tàu vũ trụ Vikram do nước này phóng lên thành công hạ cánh xuống cực Nam Mặt Trăng. Việc chinh phục thành công cực Nam Mặt Trăng đã đưa Ấn Độ lại gần hơn với giấc mơ khai thác băng nước, tài nguyên quý giá nhất trên Mặt Trăng.
Việc tàu vũ trụ Vikram của Ấn Độ hạ cánh an toàn xuống cực Nam Mặt Trăng trong sứ mệnh Chandrayaan-3 là một thành tựu đáng kinh ngạc. Sau những lo lắng ban đầu, quá trình hạ cánh diễn ra suôn sẻ khi tàu giảm tốc độ và hạ dần xuống bề mặt gồ ghề của cực Nam, cuối cùng đáp an toàn. Đây là lần đầu tiên một tàu thám hiểm hạ cánh thành công ở khu vực cực Nam Mặt Trăng.
Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới đưa thành công tàu vũ trụ đáp xuống Mặt Trăng, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ. Thành công lần này đánh dấu cột mốc quan trọng của chương trình không gian Ấn Độ.