Tàu vũ trụ cũ của Liên Xô vỡ vụn sau va chạm trên không gian

Tàu vũ trụ cũ của Liên Xô vỡ vụn sau va chạm trên không gian

Một tàu vũ trụ từ thời Liên Xô đã bị phá hủy hoàn toàn trên quỹ đạo, cách Trái Đất khoảng 1.400km, sau khi va chạm với mảnh vụn không gian. Sự cố này vừa được nhà vật lý thiên văn và chuyên gia về mảnh vụn không gian Jonathan McDowell thông báo trên tài khoản Twitter ngày 30-8, theo trang khoa học Space.com.

 

Tàu vũ trụ cũ của Liên Xô vỡ vụn sau va chạm trên không gian

Hình minh họa các mảnh vụn không gian trên quỹ đạo Trái đất - Ảnh: SPACE.COM

Tàu vũ trụ Kosmos-2143 (hoặc Kosmos-2145), được phóng lên từ năm 1991, đã bị hủy hoàn toàn sau vụ va chạm mà nguyên nhân vẫn chưa rõ, và có thể sẽ không bao giờ được xác định.

Tuy nhiên, sự cố này nhấn mạnh về tình trạng bất ổn trên quỹ đạo Trái Đất, nơi mà các mảnh vụn không gian đã tích luỹ trong hơn 60 năm kể từ khi con người bắt đầu khám phá không gian. Hiện tại, tình hình này đang tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đối với các vệ tinh mới đang hoạt động trên quỹ đạo.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), có khoảng 34.550 vật thể như vậy đang tồn tại trên quỹ đạo Trái Đất.

Ngoài ra, còn có khoảng 1 triệu mảnh vụn có kích thước từ 1 đến 10cm và 130 triệu mảnh nhỏ hơn 1cm đang lơ lửng trong không gian, theo ước tính của ESA.

Tuy radar trên Trái Đất chỉ có thể theo dõi các vật thể lớn hơn 10cm.

Khi radar phát hiện một vật thể lớn hơn đang tiến lại gần một vệ tinh hoặc tàu vũ trụ đang hoạt động, người điều hành có thể nhận được cảnh báo và di chuyển vệ tinh/tàu vũ trụ ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, không có cảnh báo trước cho việc xuất hiện của những mảnh vụn nhỏ.

Điều quan trọng là thậm chí một mảnh vụn vũ trụ nhỏ có kích thước 1cm cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Vào năm 2016, một mảnh vụn không gian chỉ rộng vài mm đã tạo ra một lỗ có đường kính 40cm trên một tấm pin mặt trời của vệ tinh quan sát Trái Đất Sentinel 2 của ESA. Mảnh vụn đã tạo ra một loạt các mảnh vỡ đủ lớn để có thể theo dõi từ Trái Đất.

Sentinel 2 vẫn sống sót sau sự cố này, tuy nhiên, các kỹ sư ESA cho biết nếu rác vũ trụ va chạm trực tiếp vào thân tàu, nhiệm vụ có thể đã kết thúc.

Suốt nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo về việc lượng rác vũ trụ đang tăng dần trên quỹ đạo Trái Đất.

Một số người lo ngại rằng tình hình đang tiến gần tới một kịch bản được gọi là "Hiện tượng Kessler", được đặt tên theo nhà vật lý đã nghỉ hưu của NASA - Donald Kessler.

Kịch bản "Hiện tượng Kessler" dự đoán rằng lượng mảnh vụn ngày càng gia tăng do va chạm trên quỹ đạo, cuối cùng sẽ khiến khu vực quanh Trái Đất trở nên không thể sử dụng được. Khi một va chạm xảy ra, nó sẽ tạo ra một loạt mảnh vụn không gian, và quá trình này sẽ tiếp tục lan tỏa theo cấp số nhân.