Ảnh AI phong cách Ghibli: câu hỏi về đạo đức và văn hóa
Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI Các doanh nghiệp APAC đẩy mạnh AI và IoT Có hay không việc Trung Quốc yêu cầu các lãnh đạo ngành AI tránh đi Mỹ vì sợ bị bắt? |
Ảnh AI phong cách Ghibli gây sốt trên mạng như thế nào?
Từ giữa tháng 3, các nền tảng xã hội như Instagram, TikTok, Facebook và X ngập tràn hình ảnh AI mang phong cách hoạt hình đặc trưng của Studio Ghibli. Chỉ một giờ sau khi ChatGPT tích hợp tính năng tạo ảnh, nền tảng này đã ghi nhận hơn một triệu người dùng mới trong khi trước đó phải mất tới năm ngày mới đạt được con số này. Lượt tải ứng dụng tăng 11%, người dùng hoạt động hằng tuần tăng 5% và tổng số người dùng vượt mốc 150 triệu.
![]() |
Tiến sĩ Soumik Parida (trái) và Tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan (phải) (Ảnh RMIT) |
Tại Ấn Độ, thị trường phát triển nhanh nhất của ChatGPT đã có hơn 130 triệu người dùng đã tạo ra hơn 700 triệu hình ảnh. Tại Hàn Quốc, số người dùng hoạt động hằng ngày đạt kỷ lục 1,25 triệu vào đầu tháng 4, một phần được cho là nhờ sự phổ biến của các gợi ý tạo ảnh theo phong cách Ghibli. Những con số này đã cho thấy công nghệ đang thay đổi cách con người ghi lại cuộc sống thường nhật, giúp họ bước vào một thế giới hoạt hình đầy mộng mơ chỉ với vài dòng câu lệnh.
Tại Việt Nam, ảnh phong cách Ghibli đã nhanh chóng được giới trẻ đón nhận, Gen Z Việt cũng hào hứng thử nghiệm việc “tái hiện” những địa điểm quen thuộc nhưng xu hướng này không bùng nổ như ở nhiều quốc gia khác. Điều này tạo cơ hội để thương hiệu trong nước suy ngẫm về việc làm thế nào có thể phản ứng thấu đáo trước các trào lưu hình ảnh toàn cầu.
Thay vì chạy theo xu hướng, giới sáng tạo và doanh nghiệp Việt có thể tập trung thể hiện bản sắc hình ảnh riêng, được lấy gợi ý từ văn hóa truyền thống, cách kể chuyện, đặc trưng vùng miền… để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
“Thay vì chạy theo phong trào, thương hiệu Việt có thể tiếp tục khám phá và đầu tư vào cách kể chuyện bằng hình ảnh riêng. Vấn đề không nằm ở chuyện theo kịp công nghệ, mà là trung thành với ý tưởng sáng tạo”. Tiến sĩ Soumik Parida, Phó chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam chia sẻ.
Là giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT, Tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan cũng bổ sung thêm rằng, thương hiệu Việt có thể chọn đi theo một hướng khác, đề cao tính chân thực và chiều sâu. “Những lúc như thế này nhắc nhở chúng ta rằng không phải lúc nào cũng cần chạy theo xu hướng. Đôi khi những câu chuyện có tác động mạnh mẽ nhất lại đến từ việc trân trọng tính độc đáo của riêng chúng ta.” Tiến sĩ Adhvaidha Kalidasan nhận định.
![]() |
Dù bắt mắt nhưng ảnh AI đặt ra nhiều lo ngại về quyền tác giả và dữ liệu cá nhân (Ảnh Pexels) |
Từ AI, câu hỏi về đạo đức và bản sắc?
Nhờ vào các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Midjourney, và Stable Diffusion, người dùng có thể dễ dàng biến đổi hình ảnh cá nhân hoặc phong cảnh thành những bức tranh mang đậm chất hoạt hình Ghibli. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của xu hướng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ và luật liên quan.
Ẩn sau những hình ảnh quyến rũ được tạo bằng AI là các vấn đề đạo đức phức tạp, bao gồm quyền tác giả hình ảnh, quyền riêng tư dữ liệu và tác động rộng lớn hơn của AI sáng tạo, khi tính thẩm mỹ bị thương mại hóa bởi các thương hiệu toàn cầu. Tiến sĩ Parida và Tiến sĩ Kalidasan cùng cho rằng xu hướng có vẻ vui tươi này thực chất ẩn chứa những vấn đề văn hóa sâu sắc hơn.
“Người ta không chỉ tạo ra hình ảnh phong cách Ghibli cho vui”, Tiến sĩ Parida nhận xét. “Một số thương hiệu đang dùng phong cách này để bán sản phẩm mà không cân nhắc đến bối cảnh văn hóa hay nguồn gốc nghệ thuật của nó”.
“Nó tạo cơ hội để mọi người nhìn cuộc sống của mình qua một lăng kính mềm mại hơn. Những khiếm khuyết của thực tại được thay thế bằng hình ảnh mơ mộng, trau chuốt”. Tiến sĩ Kalidasan giải thích thêm: “Sự ‘thẩm mỹ hóa’ này cũng đi kèm với rủi ro khi người dùng chia sẻ hình ảnh cá nhân với các nền tảng AI mà không hề suy nghĩ kỹ. Ít ai nhận ra rằng những hình ảnh đó có thể bị lưu trữ, tái sử dụng, hoặc thậm chí dùng để huấn luyện các hệ thống AI trong tương lai”.
Điều này đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, đó là vấn đề không nằm ở việc dùng AI là đúng hay sai, mà là liệu chúng ta có sử dụng nó với nhận thức và trách nhiệm hay không? Tiến sĩ Parida chỉ ra sự tương phản rõ nét giữa phong cách vẽ tay nguyên tác của Ghibli và cách các thuật toán AI nhân bản hàng loạt phong cách này như thế nào.
“Một cảnh đám đông dài bốn giây trong The Wind Rises phải mất đến 15 tháng vẽ bằng tay. Ghibli không chỉ là hình ảnh mà còn là tinh thần kể chuyện bằng sự kiên nhẫn. AI có thể bắt chước hình thức, nhưng không thể sao lại phần hồn”.
Tiến sĩ Parida cũng nêu ra vài ví dụ về cách thương hiệu đã triển khai đúng tinh thần của Ghibli, và nhấn mạnh rằng, phần lớn chỉ dùng hình ảnh một cách hời hợt.“Nhiều chiến dịch chỉ dừng ở lớp vỏ thẩm mỹ của hình ảnh, mà không kết nối được với triết lý hay nét văn hóa đặc trưng đằng sau chúng”, ông nói.
Tiến sĩ Kalidasan thì nêu lên mối lo lớn hơn về nguy cơ thẩm mỹ bị đồng hóa trong thế giới số vận hành bằng thuật toán. “Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ bắt đầu giống nhau. Khi Ghibli - hay bất kỳ phong cách hình họa nào - bị sao chép hàng loạt, nó có thể làm lu mờ sự đa dạng của các nền văn hóa hình ảnh của từng địa phương”.
“Bản thân việc chọn không chạy theo trào lưu cũng là một hình thức sáng tạo có trách nhiệm. Đó là lựa chọn của những người làm sáng tạo hiểu rõ bản sắc của mình và không để bị cuốn vào guồng quay thẩm mỹ toàn cầu chỉ vì đó là xu hướng”. Tiến sĩ Kalidasan nhận định.
![]() |
Các chuyên gia nhấn mạnh đến việc cần phải tư duy phản biện trong việc sáng tạo: cả sinh viên và người làm nghề cần cân nhắc nguồn gốc văn hóa của phong cách hình ảnh trước khi sử dụng trong thời đại AI. (Ảnh Pexels) |
Vậy người làm sáng tạo và giáo dục cần làm gì trước xu hướng này?
Đầu tiên chúng ta cần đặt ra các câu hỏi về đạo đức trước khi vay mượn phong cách hình ảnh của người khác. “Hãy tự hỏi: Ai là người tạo ra phong cách này? Vì sao nó đẹp? Tôi có quyền sử dụng nó không? Tôi có tôn trọng nguồn gốc của nó không hay chỉ tận dụng sự quen thuộc của nó?” Tiến sĩ Parida nói. Ông cũng kêu gọi những người làm sáng tạo cần cưỡng lại sự tiện lợi khi sử dụng các công cụ AI. “Nếu bạn dùng một công cụ chỉ vì nó đang thịnh hành hoặc dễ dùng, hãy dừng lại. Sáng tạo không phải là đi nhanh, mà là suy nghĩ thấu đáo.”
Bà Kalidasan thì nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục, đặc biệt là các chương trình truyền thông và thiết kế. Bà cho rằng các trường đại học không nên chỉ dạy kỹ năng chuyên môn mà còn cần tập trung xây dựng nhận thức đạo đức cho học sinh sinh viên của mình. “Sinh viên phải học cách đặt câu hỏi trước khi sáng tạo: Hình ảnh này đến từ đâu? Nó đại diện cho nền văn hóa nào? Việc sử dụng nó có thể gây tổn thương hoặc xuyên tạc điều gì không? Sáng tạo không nên bị giới hạn nhưng nên bắt đầu từ sự thấu cảm”.
Bà còn cảnh báo về rủi ro khi người dùng chia sẻ dữ liệu khi chưa nắm rõ toàn bộ thông tin trong thời đại AI tạo sinh. “Chỉ vì người dùng đánh dấu ‘đồng ý’ không có nghĩa là họ hiểu hệ quả. Chúng ta cần giúp người dùng đưa ra lựa chọn có hiểu biết, thay vì chỉ chấp nhận những điều khoản mơ hồ”.
Cả hai chuyên gia đều đồng ý rằng, nếu các nền tảng AI không thể tự điều chỉnh một cách minh bạch, thì các nhà sáng tạo, người làm công tác giáo dục, sinh viên và thương hiệu cần đặt ra những giới hạn đạo đức đầu tiên và định hình la bàn đạo đức cho sáng tạo số.
Có thể bạn muốn biết Ghibli, hay Studio Ghibli, là hãng phim hoạt hình Nhật Bản có trụ sở tại Koganei, Tokyo. Công ty thành lập năm 1985, nổi tiếng với việc sản xuất các bộ phim anime có sự tỉ mỉ trong từng khung hình, nội dung phim có chiều sâu, cốt truyện hấp dẫn. Tám trong số những bộ phim Ghibli có tên trong top 15 phim anime doanh thu cao nhất mọi thời. Biểu tượng của công ty là nhân vật Totoro trong phim Tonari no Totoro (Hàng xóm của tôi là Totoro). |
Có thể bạn quan tâm


Ấn tượng sự kiện ra mắt Meta AI tại Việt Nam
Công nghệ số
Fortinet mở rộng ứng dụng FortiAI trên nền tảng bảo mật Fortinet Security Fabric
Công nghệ số
Google Cloud và NVIDIA hợp tác phát triển AI chủ động khắc phục sự cố CNTT
Công nghệ số